Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng tế bào máu hoặc số lượng huyết sắc tố ở máu ngoại vi, gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Tùy vào nguyên nhân mà có những cách điều trị, cải thiện khác nhau. Để tìm hiểu về rõ hơn về tình trạng thiếu máu, mời các bạn theo dõi bài viết sau!
Mục lục
1. Định nghĩa
Thiếu máu là sự giảm số lượng hồng cầu hoặc số lượng huyết sắc tố ở máu ngoại vi, khiến cho máu giảm khả năng vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng để cung cấp cho các mô, tế bào trong cơ thể.
Một người được coi là thiếu máu khi nồng độ huyết sắc tố trong máu thấp hơn so với người cùng giới, cùng lứa tuổi, cùng một môi trường sống, cũng như thấp hơn so với nồng độ sinh lý bình thường ở người đó. Ở nam giới, thiếu máu thường được định nghĩa là lượng hemoglobin dưới 13,5 gam/100 ml và ở phụ nữ là lượng hemoglobin dưới 12,0 gam/100 ml.
Tuổi thọ bình thường của một tế bào hồng cầu là khoảng 110 – 120 ngày. Tế bào hồng cầu được tạo ra trong tủy xương. Bất kỳ nguyên nhân nào phá vỡ tuổi thọ bình thường của tế bào hồng cầu đều có thể gây thiếu máu.
2. Phân loại thiếu máu
Thiếu máu được phân loại theo cơ chế bệnh sinh gồm 3 nhóm chính: thiếu máu do mất máu, thiếu máu do tan máu và thiếu máu do rối loạn chức phận tạo máu.
2.1. Thiếu máu do mất máu:
Đây là tình trạng máu bị mất ra ngoài nhanh hơn mức cơ thể có thể tái tạo. Có 2 loại:
- Mất máu cấp tính. Thường gặp khi bị thương, phẫu thuật, tai biến sản khoa… Khi đó, cơ thể phản ứng bằng cách co mạch, tăng nhịp tim, phân phối lại máu, tăng cường hô hấp… để điều chỉnh (với trường hợp mất dưới 10 % thể tích máu). Nhưng nếu mất máu nhiều hơn (30 – 40 % thể tích máu) sẽ gây ra tình trạng sốc mất máu.
- Mất máu mạn tính. Đây là tình trạng mất máu từng ít một, âm ỉ, kéo dài, thường gặp trong các bệnh giun móc, rong kinh, xuất huyết chảy máu tiêu hóa… Trường hợp này, máu bị mất ra ngoài nhưng tủy xương có thời gian tăng sinh hồng cầu để bù đắp lượng máu đã mất và tạo nên một cân bằng mới kém bền vững.
2.2. Thiếu máu do vỡ hồng cầu (hay thiếu máu tan máu):
Vì một số lý do, hồng cầu vỡ sớm hơn bình thường và giải phóng ra các chất vào lòng mạch. Có 2 loại:
a. Thiếu máu do bệnh lý của bản thân hồng cầu:
Thiếu máu ở nhóm này đa phần do bẩm sinh, có thể bởi
- Tổn thương màng hồng cầu (trong bệnh hồng cầu hình tròn, bệnh hồng cầu hình bầu dục)
- Rối loạn Hb (như bệnh Thalassemie, bệnh Hb niệu về đêm…)
- Thiếu men hồng cầu (như thiếu men G6PD, thiếu pyruvatkinase…)
b. Thiếu máu do nguyên nhân ngoài hồng cầu:
Trong nhóm này, hồng cầu bình thường nhưng trong huyết tương có các yếu tố làm hồng cầu dễ vỡ như kháng thể, chất độc, vi sinh vật (như ký sinh trùng, vi khuẩn, virus…), cường lách do yếu tố tự miễn.
2.3. Thiếu máu do rối loạn chức phận tạo máu:
Quá trình tạo máu cần sự có mặt của sắt, protein, vitamin, các yếu tố vi lượng khác. Khi có sự rối loạn của các yếu tố trên đều gây ra thiếu máu. Bên cạnh đó, do tủy xương là cơ quan tạo máu của cơ thể nên các bệnh lý liên quan đến tủy xương có thể gây thiếu máu. Điển hình như suy tủy xương, rối loạn sinh tủy hoặc ung thư máu. Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể do chế độ ăn uống thiếu những chất dinh dưỡng cần thiết cho việc tạo máu. Trong nhóm này có các loại phổ biến sau:
a. Thiếu máu do thiếu sắt: gặp phải do những nguyên nhân như:
- Do cung cấp không đủ: khi áp dụng các chế độ ăn kiêng, chế độ ăn nghèo chất dinh dưỡng,…
- Do các bệnh đường tiêu hóa khiến sắt không được hấp thu. Ví dụ như khi viêm ruột, viêm dạ dày, cắt đoạn ruột, dạ dày…
- Do rối loạn chuyển hóa sắt gây thiểu năng gan, tuyến giáp…
- Do chảy máu gây mất máu và mất sắt.
b. Thiếu máu do thiếu axit folic và vitamin B12 (thiếu máu Biermer). Thường do những nguyên nhân sau:
- Cắt đoạn dạ dày.
- Cắt đoạn ruột hay bệnh đường ruột.
- Có kháng thể kháng GMP.
- Dùng nhiều thuốc ức chế sử dụng axit folic và B12 như: thuốc chống sốt rét, chống K, neomycine…
c. Thiếu máu bất sản:
Đây là tình trạng suy tủy xương hoàn toàn. Kết quả là, trong máu không đủ số lượng tế bào hồng cầu, cũng như bạch cầu và tiểu cầu. Nguyên nhân của thiếu máu bất sản bao gồm:
- Tiếp xúc mãn tính với hóa chất độc hại
- Điều trị ung thư (xạ trị, hóa trị).
- Nhiễm trùng
- Thuốc (ví dụ, chloramhenicol, carbamazepin, phenytoin).
- Hội chứng thần kinh đệm
- Di truyền
3. Những dấu hiệu thiếu máu bạn không thể bỏ qua
Tùy vào nguyên nhân, người bệnh có thể gặp những triệu chứng khác nhau.
3.1. Triệu chứng thông thường
Những triệu chứng phổ biến mà bệnh nhân thường gặp phải là: thường xuyên mệt mỏi, cảm thấy yếu sức, khó thở, tim đập nhanh, da xanh xao, nhức đầu và tay chân lạnh.
a. Mệt mỏi:
Đây là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh. Nguyên nhân do cơ thể không cung cấp đủ oxy cho các tế bào, khiến bạn thiếu năng lượng và mệt mỏi.
b. Khó thở:
Với hầu hết những người khỏe mạnh, lượng oxy dồi dào sẽ tới tim, cơ và các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, khi thiếu máu, phổi của bạn cần phải bù lại lượng oxy đã giảm. Vì thế có thể dẫn đến các vấn đề hô hấp như khó thở (không đỡ ngay cả khi nghỉ ngơi). Thậm chí có khi kèm theo các triệu chứng như:
- Cảm giác tức ngực.
- Nhu cầu thở nhiều hơn hoặc nhanh hơn bình thường.
- Cảm giác như cơ thể không nhận đủ oxy một cách nhanh chóng.
c. Tim đập nhanh:
Khi bị thiếu máu, cơ thể sẽ cố gắng bù đắp lượng oxy thiếu hụt bằng cách làm tim đập nhanh. Cơ thể lưu thông máu nhanh hơn để tận dụng lượng Hemoglobin ít ỏi có sẵn. Hemoglobin là protein chứa sắt trong hồng cầu, mang oxy từ phổi đến các cơ quan và mô trong cơ thể. Nhịp tim nhanh liên tục sẽ không tốt cho tim mạch và cơ thể. Mức oxy thấp khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Từ đó gây nhiều áp lực lên tim và khiến tim đập nhanh hơn.
d. Da nhợt nhạt:
Thiếu hồng cầu và thiếu hemoglobin trong hồng cầu sẽ khiến da nhợt nhạt. Với số lượng tế bào hồng cầu rất hạn chế, cơ thể bù đắp bằng cách cung cấp nhiều máu hơn đến các cơ quan quan trọng và lấy đi các bộ phận khác, bao gồm cả da. Kết quả là da có thể nhợt nhạt, xám hoặc tro.
e. Nhức đầu:
Thiếu máu có thể khiến não nhận được ít oxy hơn mức cần thiết để duy trì hoạt động. Khi đó, các mạch máu não giãn ra để cung cấp nhiều oxy hơn cho não. Vì thế gây nên áp lực lên hệ thống thần kinh và gây đau đầu. Những cơn đau này có thể kèm theo choáng váng và chóng mặt.
3.2. Triệu chứng khác
Các triệu chứng ít phổ biến hơn có thể gặp là:
- Ù tai: được mô tả là nghe thấy tiếng chuông, tiếng vo ve hoặc tiếng rít từ tai trong.
- Tay chân bồn chồn. Đặc trưng bởi cảm giác kim châm ở chân và bàn chân và không kiểm soát được nhu cầu di chuyển chân, đặc biệt là vào ban đêm.
- Da và tóc khô, hư tổn. Da và tóc khô, hư tổn có thể là dấu hiệu của thiếu máu do thiếu sắt. Bởi thiếu sắt làm giảm hemoglobin trong máu. Nó có thể làm giảm các tế bào thúc đẩy sự phát triển của tóc và tái tạo da. Sự suy giảm oxy cũng khiến tóc và da trở nên khô và yếu.
- Pica: là tình trạng thường gặp phải khi thiếu máu do thiếu sắt. Đây là cảm giác thèm ăn dữ dội đối với việc ăn các món không phải thực phẩm và không có chất dinh dưỡng. Chẳng hạn như bụi bẩn, nước đá và giấy.
4. Thiếu máu kéo dài – những nguy hiểm khôn lường:
Hemoglobin (Hb) có vai trò cung cấp O2 đến tất cả các bộ phận của cơ thể để tiêu thụ và mang CO2 trở lại phổi để thải ra ngoài. Nếu mức Hb quá thấp, quá trình này có thể bị suy giảm, dẫn đến lượng oxy trong cơ thể thấp. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh của bệnh nhân, có thể có hoặc không có biến chứng.
4.1. Thiếu máu gây mệt mỏi kéo dài:
Thiếu máu nuôi các cơ quan dẫn đến cơ thể thiếu năng lượng để hoạt động, làm cơ thể mệt mỏi triền miên. Dễ hiểu là những người bị bệnh không thể tỉnh táo và tập trung, làm giảm năng suất và hiệu quả công việc, thậm chí là khó khăn khi hoạt động thể dục thể thao nhẹ nhàng.
4.2. Suy giảm chức năng của toàn bộ cơ thể:
Mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp như tới tim và phổi nhưng thiếu máu mạn tính có thể làm suy giảm toàn bộ chức năng của các cơ quan khác, dẫn tới suy thân, suy gan, suy tủy, suy giảm trí nhớ,… lâu dài rất nguy hiểm. Không chỉ vậy, nó còn làm suy giảm tình dục ở cả nam và nữ, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
4.3. Nhiễm trùng thường xuyên:
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thiếu máu, đặc biệt là thiếu máu do thiếu sắt có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng của cơ thể. Các loại nhiễm trùng liên quan đến thiếu máu là mãn tính (lâu dài) và có thể bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn kết hợp với nhiễm trùng huyết nặng – một biến chứng đe dọa tính mạng của nhiễm trùng.
4.4. Vấn đề về tim mạch:
Việc thiếu các tế bào hồng cầu vận chuyển hemoglobin khiến tim phải làm việc nhiều hơn để đưa máu giàu oxy đi khắp cơ thể. Khi tim phải làm việc nhiều hơn, nhiều tình trạng khác nhau có thể dẫn đến, bao gồm rối loạn nhịp tim, suy tim. Nếu không được điều trị cũng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về tim.
4.5. Các vấn đề về tăng trưởng ở trẻ em:
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em, thiếu máu có thể dẫn đến các vấn đề chậm phát triển và tăng trưởng. Thiếu máu do thiếu sắt trong thời thơ ấu có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng cân và có thể khiến các kỹ năng hành vi, nhận thức và tâm lý bị suy giảm.
Một số lượng lớn các nghiên cứu quan sát đã chỉ ra mối liên quan giữa thiếu sắt, thiếu máu do thiếu sắt và kết quả kém phát triển về nhận thức và vận động ở trẻ em. Thiếu sắt gây ra những thay đổi đối với cấu trúc và chức năng của não, có thể không thể phục hồi ngay cả khi điều trị bằng sắt, đặc biệt nếu sự thiếu hụt xảy ra trong thời kỳ sơ sinh khi sự hình thành thần kinh và sự biệt hóa của các các vùng não đang xảy ra. [1]
4.6. Các biến chứng khi mang thai:
Ở người mang thai, thiếu máu nặng có thể dẫn đến sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân. Các biến chứng thai kỳ liên quan đến thiếu máu do thiếu sắt có thể phòng ngừa được bằng cách bổ sung sắt như một phần chăm sóc trước khi sinh.
4.7. Các vấn đề về tâm lý:
Ngoài các triệu chứng về thể chất, thiếu máu do thiếu sắt (IDA) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, lo âu và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Một nghiên cứu lớn được báo cáo vào năm 2020 trên tạp chí BMC Psychiatry cho thấy những người bị IDA có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn và tăng nguy cơ lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và rối loạn tâm thần.
4.8. Biến chứng lên phổi do thiếu máu:
Thiếu máu ảnh hưởng tới phổi theo 2 cơ chế:
- Máu đến nuôi phổi không đủ, khiến phổi khó khăn trong việc trao đổi khí, lâu dài gây suy phổi.
- Tim bơm máu không tốt dễ gây ứ máu tại phổi, làm các mô phổi bị tổn thương.
5. 3 việc cần làm ngay khi thiếu máu
Nhiều trường hợp có thể nhẹ, ngắn hạn, dễ điều trị. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Vì vậy cần bạn nhanh chóng thực hiện những việc để điều trị và kiểm soát bệnh:
5.1. Tới thăm khám tại cơ sở y tế
Khi có các dấu hiệu như đã nói ở trên, hãy đến ngay các cơ sở y tế để xét nghiệm công thức máu và tìm ra nguyên nhân. Chỉ khi nguyên nhân được làm rõ và điều trị thì các triệu chứng bạn gặp phải mới được cải thiện.
- Khi bị chẩn đoán là thiếu máu, hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ về chế độ ăn uống, dùng thuốc và các phương pháp điều trị khác.
- Thường xuyên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và chăm sóc liên tục. Đồng thời cho họ biết về bất kỳ triệu chứng mới hoặc thay đổi nào.
- Trẻ đang trong giai đoạn phát triển nếu bị thiếu máu nặng có thể tăng nguy cơ bị thương hoặc nhiễm trùng. Hãy trao đổi với bác sĩ để có những biện pháp, cải thiện phù hợp và tối ưu nhất.
- Các bé gái và phụ nữ có kinh nguyệt kéo dài cần khám và theo dõi thường xuyên với bác sĩ để ngăn ngừa hoặc kiểm soát tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
Tùy vào nguyên nhân mà việc điều trị có thể khác nhau:
- Nếu bị thiếu máu bất sản, bệnh nhân có thể dùng thuốc, truyền máu hoặc cấy ghép tủy xương.
- Nếu bị thiếu máu do tan huyết, có thể cần dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch của bạn.
- Nếu nguyên nhân là do mất máu, bạn có thể phải phẫu thuật để tìm và khắc phục tình trạng chảy máu.
- Nếu nguyên nhân do thiếu sắt, bạn cần phải bổ sung sắt và thay đổi chế độ ăn.
- Điều trị thiếu máu hồng cầu hình liềm bao gồm thuốc giảm đau, bổ sung axit folic, kháng sinh hoặc liệu pháp oxy. Hydroxyurea thường được chỉ định để giảm đau với bệnh hồng cầu hình liềm.
- Nếu bị thiếu hụt vitamin B12 hoặc folate, bạn sẽ được kê đơn thuốc và áp dụng chế độ dinh dưỡng bổ sung.
- Thalassemia thường không cần điều trị. Nhưng nếu nghiêm trọng, bạn có thể phải truyền máu, cấy ghép tủy xương hoặc phẫu thuật.
5.2. Lập kế hoạch cho một lối sống lành mạnh:
- Bắt đầu thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Cần đảm bảo rằng bạn được cung cấp đủ sắt, vitamin B12, folat, vitamin C – là nguyên liệu cần thiết để tạo nên hồng cầu.
- Chế độ ăn uống lành mạnh tập trung vào những điều cơ bản sau:
-
- Bổ sung thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo, hải sản, thịt lợn, gia cầm, trứng…
- Hạn chế ăn nhiều muối, chất béo bão hòa, đường tinh luyện, ngũ cốc tinh chế.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Cân bằng lượng calo nạp vào cơ thể và lượng calo tiêu hao do hoạt động thể chất.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến và cung cấp đủ chất dinh dưỡng để giảm nguy cơ mắc các bệnh do thiếu chất dinh dưỡng (như bệnh thiếu máu do thiếu sắt, thiếu folat, thiếu vitamin B12…)
- Tránh đưa vào cơ thể các chất có thể gây ra hoặc gia tăng tình trạng thiếu máu. Tiếp xúc với hóa chất hoặc chất độc trong môi trường có thể gây ra một số loại thiếu máu. Nếu bị thiếu máu huyết tán, hãy rửa tay thường xuyên, tránh những người bị cảm lạnh và tránh xa đám đông để giảm nguy cơ nhiễm trùng
» Xem thêm: Top 4 nhóm sản phẩm nên bổ sung khi trẻ biếng ăn
5.3. Trò chuyện với gia đình bạn về tình trạng đang gặp phải:
Một số loại thiếu máu như thiếu máu ác tính, thiếu máu Fanconi, hoặc Thalassemia – có thể được di truyền. Nếu bạn được chẩn đoán mắc một trong những loại này, hãy nói chuyện với gia đình. Đề nghị họ đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem liệu họ có bị thiếu máu hay không.
Tổng kết:
Thiếu máu là một tình trạng bệnh lý thường gặp. Nó kéo dài gây ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Do đó, cần chủ động phòng và điều trị bệnh. Nếu nhận thấy có các dấu hiệu thiếu máu thì bạn cần tới khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù nhanh chóng. Đồng thời, cần cải thiện chế độ ăn khoa học kết hợp với lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ. Mong rằng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn.
» Xem thêm: Cách đọc hiểu chính xác các chỉ số xét nghiệm công thức máu ở trẻ
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Nguồn tham khảo:
Nghiên cứu chuyên sâu về các bệnh ngoài da do vi khuẩn , virus ở cả người lớn và trẻ em. chuyên gia tư vấn các tổn thương da liễu như vết thương, vết loét, các bệnh lý chám, chốc, thuỷ đậy, tay chân miệng, zona, herpes… Với mong muốn giúp đỡ người bệnh phục hồi nhanh nhất mà không cần dùng đến kháng sinh, tôi luôn không ngừng tìm tòi những giải pháp đẩy lùi bệnh tật tự nhiên – hiệu quả – an toàn.