Xét nghiệm công thức máu là phương pháp xét nghiệm được sử dụng nhiều nhất đối với huyết học và y khoa bởi công dụng và sự tiện lợi mà nó đem lại. Khi cầm kết quả xét nghiệm của con trên tay, ắt hẳn các mẹ đều chưa hiểu hết về ý nghĩa của nó. Vì thế, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Khi nào trẻ cần làm xét nghiệm công thức máu
Máu đóng một vai trò quan trọng trong cơ thể. Máu vận chuyển khí oxy và chất dinh dưỡng theo dòng tuần hoàn cung cấp đến cho từng tế bào. Đồng thời nhận lại khí cacbonic và các sản phẩm thải ra do chuyển hóa nội ngoại bào. Ngoài ra, máu còn có chức năng miễn dịch và đông máu.
Xét nghiệm công thức máu là khảo sát các loại tế bào máu về số lượng, kích thước, hình thái của hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Việc xét nghiệm công thức máu giúp bác sĩ xác định những vấn đề liên quan đến huyết học của sức khỏe bệnh nhân. Bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em, cần làm xét nghiệm khi:
- Xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, sốt, bầm tím, sút cân.
- Trẻ bị mất máu (xác định lượng máu đã mất)
- Trẻ bị đa hồng cầu (chẩn đoán xác định)
- Trẻ bị nhiễm trùng hoặc thiếu máu.
- Trẻ bị các bệnh về máu.
- Kiểm tra phản ứng của cơ thể với một số loại thuốc hoặc điều trị bức xạ để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp khi mắc bệnh.
- Kiểm tra những ảnh hưởng của hiện tượng máu chảy bất thường ảnh hưởng đến các tế bào máu và số lượng.
- Kiểm tra số lượng các tế bào thành phần máu.
- Kiểm tra tình trạng thể chất của trẻ.
2. Các chỉ số cơ bản trong xét nghiệm công thức máu và ý nghĩa của nó
Khi con bạn cần xét nghiệm công thức máu, việc có thêm nhiều hiểu biết về các chỉ số cơ bản hi vọng có thể giúp ích phần nào cho mẹ.
2.1. Hồng cầu – RBC
Hồng cầu được tạo ra từ tủy xương. Với chức năng chính là vận chuyển oxy từ phổi đến các mô nhờ vai trò của hemoglobin.
Số lượng hồng cầu thay đổi theo tuổi, cụ thể:
- Sơ sinh đủ tháng khi chào đời có số lượng HC 4.5 – 6×1012/l, sau đó hồng cầu giảm nhanh vì hồng cầu vỡ do vàng da sinh lí.
- Khi trẻ được 6 – 12 tháng tuổi số lượng hồng cầu 3.5 x 1012/l, giai đoạn thiếu máu nhẹ do thiếu yếu tố tạo máu.
- Trẻ trên 2 tuổi, số lượng hồng cầu ổn định 4 x 1012 /l.
- Số lượng hồng cầu tăng trong bệnh tim mạch, bệnh đa hồng cầu, tình trạng mất nước.
- Giảm trong thiếu máu, sốt rét, lupus ban đỏ, suy tủy, mất máu…
Dưới đây là các chỉ số liên quan đến hồng cầu
Hematocrit – HCT
Hematocrit là tỉ lệ thể tích hồng cầu trong thể tích máu toàn phần.
Bình thường, chỉ số này ở trẻ sơ sinh là 56%, ở trẻ 1 tuổi 35%.
- Hematocrit tăng trong bệnh phổi, bệnh tim mạch, mất nước, chứng tăng hồng cầu.
- Giảm trong trường mất máu, thiếu máu, xuất huyết.
Hemoglobin – HBG
Hemoglobin hay còn gọi là huyết sắc tố là phân tử protein có trong hồng cầu, có khả năng vận chuyển oxy và tạo sắc tố đỏ cho hồng cầu.
Chỉ số bình thường: Lúc mới sinh trẻ có 170 -190g/L, sau đó giảm dần, đặc biệt lúc trẻ 6 – 12 tháng tuổi, huyết sắc tố giảm còn 96- 110 g/L. Trên 2 tuổi, huyết sắc tố tăng dần rồi ổn định 120 – 140 g/l.
Giá trị này thường tăng trong mất nước, bệnh tim mạch, bỏng hoặc giảm trong thiếu máu, xuất huyết, tán huyết.
Chỉ số hồng cầu
MCV – Thể tích trung bình của một hồng cầu
MCV= Hematocrit/số lượng hồng cầu
Bình thường giá trị MCV ở trẻ sơ sinh tương đối cao, trên 100 femtoliter (fl)
- Tăng trong thiếu máu hồng cầu to do thiếu hụt vitamin B12, thiếu acid folic, bệnh gan, chứng tăng hồng cầu.
- Giảm trong thiếu máu thiếu sắt, thalassemia, thiếu máu do các bệnh mạn tính.
MCH – Lượng huyết sắc tố trung bình trong một hồng cầu
MCH= Hemoglobin / số lượng hồng cầu,
MCH thường nằm trong khoảng từ 27 đến 32 picogram (pg).
- Tăng trong thiếu máu hồng cầu to, trẻ sơ sinh
- Giảm trong thiếu máu thiếu sắt
MCHC – Nồng độ trung bình của huyết sắc tố hemoglobin trong một thể tích máu
MCHC= Hemoglobin/ Hematocrit MCHC thường trong khoảng từ 30-33g/l
MCHC tăng giảm trong các trường hợp tương tự MCH
Hồng cầu lưới
Hồng cầu lưới là hồng cầu non mới ra ngoài máu, sau 24-48 giờ chúng trở thành hồng cầu trưởng thành.
Ở trẻ sơ sinh, hồng cầu lưới khá cao từ 8-10%, ngoài tuổi sơ sinh 0,5-1%.
Sau chảy máu, tiêu huyết, nếu tỉ lệ này tăng lên chứng tỏ máu đang được phục hồi nhanh. Ngược lại, hồng cầu lưới giảm trong suy tủy xương, bệnh lý gan mật, nội tiết.
2.2. Bạch cầu – WBC
Bạch cầu là các tế bào giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh bằng quá trình thực bào hoặc quá trình miễn dịch.
Số lượng bạch cầu thay đổi theo tuổi, mới sinh 20 – 30 x 109/l. Sau 24 giờ, số lượng bạch cầu giảm, từ 7-15 ngày còn 10-12 x 109/l, sau 1 tuổi bạch cầu ổn định 6-8 x 109/l.
- Bạch cầu tăng trong trường hợp nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, bệnh bạch cầu lympho cấp, bệnh bạch cầu dòng tuỷ cấp, u bạch cầu hoặc sử dụng một số thuốc như corticosteroid.
- Giá trị này giảm trong thiếu máu bất sản, nhiễm siêu vi (HIV, virus viêm gan), thiếu vitamin B12 hoặc folate, dùng một số thuốc như phenothiazine, chloramphenicol,..
Bạch cầu hạt trung tính- NEUT
Bạch cầu trung tính có chức năng quan trọng là thực bào. Khi có các tác nhân lạ xâm nhập cơ thể, bạch cầu sẽ tấn công, thực bào, tiêu diệt chúng.
Bạch cầu trung tính sau sinh 6- 8 giờ chiếm 60-65% số lượng bạch cầu, sau đó giảm dần 45% vào ngày thứ 7, 9 đến 10 tháng giảm còn 30%, trên 1 – 2 tuổi tăng dần, đến 5 – 7 tuổi đạt 45%, tới 14 tuổi giống người lớn 60-65%.
- Bạch cầu trung tính thường tăng trong nhiễm trùng cấp, nhồi máu cơ tim cấp,…
- Giảm trong nhiễm thiếu máu bất sản, dùng các thuốc ức chế miễn dịch, nhiễm độc kim loại nặng…
Bạch cầu đa nhân ưa acid – EOS
Bạch cầu đa nhân ưa acid có khả năng thực bào nhưng yếu hơn so với bạch cầu đa nhân trung tính.
Giá trị bình thường từ 0,1-7%.
- Giá trị này tăng trong trường hợp nhiễm ký sinh trùng hay các bệnh lý dị ứng…
- Giảm do sử dụng corticosteroid.
Bạch cầu đa nhân ưa base – BASO
Bạch cầu đa nhân ưa base có vai trò quan trọng trong các phản ứng dị ứng.
Giá trị bình thường trong khoảng 0,1-2,5%.
- Tăng trong bệnh leukemia mạn tính, sau phẫu thuật cắt lách, bệnh đa hồng cầu….
- Giảm do tổn thương tủy xương, stress, quá mẫn….
Bạch cầu mono – MON
Bạch cầu mono là bạch cầu đơn nhân, sau sẽ biệt hóa thành đại thực bào. Đại thực bào bảo vệ cơ thể bằng cách thực bào và khả năng thực bào mạnh hơn cả bạch cầu đa nhân trung tính.
Giá trị bình thường là 4-8%.
- Bạch cầu môn tăng do nhiễm virus, lao, ung thư, u lympho…
- Giảm trong trường hợp thiếu máu bất sản, dùng corticosteroid.
Bạch cầu lympho – LYM
Là các tế bào có khả năng miễn dịch, gồm lympho T và lympho B.
Bạch cầu lympho lúc mới sinh khoảng 20-30 %, 5 – 7 ngày tuổi 45%, 9 – 10 tháng với tỷ lê 60 % sau đó giảm dần, 5 – 7 tuổi còn 45%, tới 14 tuổi 30 %.
- Bạch cầu lympho tăng trong trường hợp nhiễm khuẩn, bệnh bạch cầu dòng lympho, suy tuyến thượng thận,…
- Giảm trong nhiễm HIV/AIDS, lao, ung thư, sốt rét, thương hàn nặng,…
2.3. Tiểu cầu – PLT
Tiểu cầu là những tế bào tham gia vào quá trình cầm máu. Khi thành mạch bị tổn thương, tiểu cầu sẽ kết tập tại đó cho đến khi hình thành nút tiểu cầu bịt kín chỗ bị tổn thương.
Số lượng tiểu cầu lúc sơ sinh từ 100-400 x 109/l, ngoài tuổi sơ sinh 150 -300 x 109/L.
- Tiểu cầu tăng trong chấn thương, sau phẫu thuật, viêm nhiễm, rối loạn tăng sinh tuỷ xương
- Giảm trong suy tủy hoặc ức chế tuỷ xương, cường lách, ung thư di căn, hóa trị liệu, bệnh lý tán huyết ở trẻ sơ sinh,…
3. Những bất thường về các chỉ số xét nghiệm công thức máu nói lên điều gì?
Các chỉ số xét nghiệm công thức máu trên đây góp phần quan trọng giúp các bác sĩ chẩn đoán được bệnh, theo dõi tiến triển của bệnh. Mặt khác còn giúp cho việc theo dõi tác dụng của thuốc, kể cả những tác dụng không mong muốn. Bất kì những bất thường nào trong các chỉ số này đều phản ánh tình trạng hiện tại của con bạn và có nguyên nhân của nó.
Vì vậy, hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ để có được định hướng đúng đắn. Từ đó, có được biện pháp điều trị kịp thời giúp bé có một sức khỏe tốt nhất và phát triển toàn diện.
Xem thêm: Các chỉ số xét nghiệm phân nói lên điều gì?
Với bài viết trên, hi vọng đã cung cấp thêm cho mẹ nhiều hiểu biết về các chỉ số xét nghiệm máu. Qua đó, mẹ càng vững tin hơn đồng hành cùng con yêu. Mọi thông tin chi tiết liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Dược sĩ Hải Yến tốt nghiệp ĐH Dược Hà Nội, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhi khoa, dặc biệt lĩnh vực tiêu hóa, dinh dưỡng, da liễu nhi khoa. Hiện tại Dược sĩ Hải Yến đảm nhiệm vị trí tư vấn tại FHI Việt Nam.