Trẻ bị rối loạn tiêu hoá luôn được quan tâm về chế độ dinh dưỡng. Lựa chọn được thực phẩm phù hợp với tình trạng của trẻ sẽ giúp hệ tiêu hóa nhanh hồi phục. Ngược lại, có những thực phẩm nên được mẹ liệt vào danh sách “đen” khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Bài viết này sẽ giúp mẹ dễ dàng hơn khi xây dựng một thực đơn dành riêng cho con mình mỗi khi bé bị rối loạn tiêu hóa.
Mục lục
1. Cách xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa
Xây dựng chế độ dinh dưỡng dành riêng cho từng trẻ bị rối loạn tiêu hóa cần dựa vào độ tuổi cũng như tình trạng rối loạn tiêu hóa của trẻ. Dưới đây là một số nguyên tắc chung khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ mẹ nên tham khảo:
1.1. Với trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi
Với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ. Trẻ bú mẹ hoàn toàn có hiện tượng rối loạn tiêu hóa cần được chia nhỏ cữ bú, và tăng tần suất bú trong 1 ngày. Bên cạnh đó, mẹ cần lưu ý đặc biệt đến chế độ dinh dưỡng của mình.
Đối với những trẻ bú mẹ hoàn toàn
Mẹ hạn chế những thức ăn khó tiêu chứa nhiều chất đạm như tôm, cua, cá, đồ ngọt, đồ chiên rán,… Mẹ bổ sung thêm những thực phẩm giàu chất xơ và nhuận tràng như rau xanh, bí đỏ, khoai lang,…
Chất dinh dưỡng mẹ nạp vào cơ thể sẽ truyền sang cho con khi trẻ bú, chính vì vậy nếu mẹ ăn những thực phẩm nhiều đạm, nhiều dầu mỡ thì con sẽ khó hấp thụ và tiêu hóa.
Đối với những trẻ sử dụng sữa công thức
Các mẹ lưu ý đến từng thành phần có trong sữa bổ sung cho trẻ. Trong sữa có nhiều loại protein như casein, đạm whey,… Ở một số ít trẻ, cơ thể bị dị ứng đạm bò do nhận nhầm đó là kháng nguyên lạ. Bên cạnh đó, một số khác, trẻ giảm khả năng hấp thụ đường lactose do thiếu enzym lactase bẩm sinh. Điều đó làm tăng tình trạng đi ngoài phân sống ở trẻ.
Nếu ngay sau khi con uống sữa đi ngoài, xì xoẹt nhiều lần, mẹ nên kiểm tra nguyên nhân, xem xét việc sử dụng sữa của bé. Ngoài ra, mẹ nên chọn những loại sữa có bổ sung chất xơ và lợi khuẩn như dầu thực vật, maltodextrin, các enzym tiêu hóa đây là những chất hỗ trợ đường tiêu hóa của bé. Ngoài ra các mẹ nên tham khảo các sữa free lactose.
1.2 Với trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi
Với những trẻ lớn: bữa ăn cần đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cơ bản là chất đạm, béo, đường, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, lượng đạm và mỡ nên được giảm, thấp hơn mức bình thường.
Trẻ rối loạn tiêu hóa nên được ăn với chế độ mềm, lỏng và chứa nhiều chất xơ hòa tan. Điều này sẽ giúp làm dịu dạ dày, hệ thống ruột của trẻ, giúp trẻ nhanh phục hồi hơn.
- Cho con tập ăn đồ ăn giàu chất xơ, dễ tiêu và không nên cho con ăn đồ ăn dầu mỡ, có gia vị. Các mẹ có thể lựa chọn các loại thực phẩm như: táo, lê, chuối nghiền nhuyễn, cam , quýt vắt lấy nước, bí đỏ, khoai lang nghiền vừa cung cấp vitamin A,C, vừa giúp bé nhuận tràng dễ hấp thu.
- Mẹ nên ưu tiên cho con ăn những thứ dạng lỏng, dạng mềm, đồ ăn thô, đồ luộc, hấp và chia nhỏ các bữa ăn. Đặc biệt, không nên cho con ăn những thực phẩm quá nhiều chất dinh dưỡng như cá hồi, hải sản,…
1.3 Trẻ từ 12 tháng trở lên
Lựa chọn cho con các loại trái cây mềm như chuối, xoài, bơ, dâu tây, hồng xiêm,… cắt lát mỏng, tươi và không nên để quá 2 giờ sau khi cắt sẽ ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng giúp con dễ tiêu hóa
Nên cho con ăn sữa chua bởi chúng không chỉ cung cấp nguồn protein và canxi tuyệt vời cho quá trình hình thành xương và răng của trẻ, mà còn cung cấp lợi khuẩn đường ruột probiotic giúp trẻ dễ dàng hấp thu dinh dưỡng và bảo vệ đường tiêu hóa
Cho trẻ ăn thịt gà nạc, thịt lợn nạc, không nên ăn mỡ và các loại thịt giàu protein như tôm, cua, cá,… giúp đường tiêu hóa dễ hấp thu hơn.
1.4 Bổ sung lợi khuẩn và khoáng chất
Bổ sung thêm lợi khuẩn – cải thiện tiêu hóa: bổ sung thêm các chủng lợi khuẩn chiếm đa số trong đường ruột của trẻ như Bifidobacterium và Lactobacillus giúp lấy lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Ngoài ra, chúng còn sản sinh ra enzym xúc tác cho quá trình tiêu hóa thức ăn, tăng cường tiêu hóa.
Trường hợp trẻ bị viêm ruột hoặc hội chứng ruột kích thích cần hạn chế những thực phẩm làm kích thích tăng nhu động ruột. Điều này sẽ làm nghiêm trọng hơn tình trạng của trẻ. Lúc này, trẻ cần bổ sung nhiều vitamin và muối khoáng, đặc biệt là kẽm để tăng cường chức năng tiêu hóa.
2. 7 món ăn bổ dưỡng giúp trẻ bị rối loạn tiêu hoá phục hồi nhanh
2.1. Gà hầm nấm
Gà hầm nấm là món ăn vừa giúp cung cấp dinh dưỡng vừa thu hút vị giác của trẻ. Từ các nguyên liệu phổ biến, đơn giản nhưng lại cung cấp lượng đạm vừa đủ cùng với các loại vitamin rất thích hợp để bổ sung cho trẻ.
Nguyên liệu:
- Thịt gà: 500gr
- Nấm hương: 100gr
- 1 củ cà rốt
- 1 củ gừng, tỏi khô, hạt nêm, nước mắm, bột năng
Sơ chế:
- Tỏi, gừng bỏ vỏ, rửa sạch, băm nhỏ
- Thịt gà rửa sạch, chặt thành miếng vừa ăn
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt lát chừng 1cm
- Nấm hương cho ngâm với nước cho nở, sau đó rửa sạch để ráo.
- Gà cho vào ướp cùng tỏi, gừng và thêm 2 muỗng hạt nêm, 2 muỗng nước mắm.
Cách chế biến:
Cho gà vào đảo đều đến khi thịt gà săn lại thì cho thêm nước vào đun sôi. Khi sôi được khoảng 5 phút thì cho cà rốt và nấm vào nấu cho tới khi nhừ. Trong khoảng thời gian này nên để lửa nhỏ, vừa. Khi nước cạn còn một nửa thì cho bột năng vào, đổ từ từ và khuấy đều. Đun tới khi nước đặc sánh thì nêm gia vị lần cuối cho vừa khẩu vị của bé.
2.2. Cháo gừng cho trẻ bị rối loạn tiêu hoá
Các món cháo luôn được ưa chuộng khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Cháo gừng vừa phát huy được công dụng của gừng vừa giúp trẻ dễ tiêu hóa. Gừng có công dụng chống viêm, kháng khuẩn, cải thiện chứng chướng bụng, đầy hơi, chậm tiêu. Tuy nhiên chỉ nên cho trẻ dùng 2 – 4 gram gừng một ngày.
Nguyên liệu:
- 1 củ gừng
- 5 cây hành lá
- 1 thìa giấm gạo
- 1 nắm gạo vừa
Sơ chế:
- Rửa sạch gừng và hành lá. Gừng thái sợi nhỏ, hành lá thái nhỏ.
- Gạo vo sạch
Cách chế biến:
Cho nước vào gạo nấu đến khi cháo nhừ thì cho gừng, hành lá và giấm. Tiếp tục đun trong 10 phút. Cho gia vị phù hợp với khẩu vị của trẻ.
Ngoài gừng, để cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ, mẹ có thể phối hợp thêm rau củ nghiền nhỏ và các loại thịt xay, ninh nhừ.
2.3. Súp gà khoai lang cho trẻ bị rối loạn tiêu hoá
Khoai lang cung cấp chất xơ, vitamin và các axit amin giúp kích thích nhu động ruột thúc đẩy quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn. Khi được nấu cùng gà thì đây trở thành lựa chọn tuyệt vời cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
Nguyên liệu:
- 1 củ khoai lang
- 3 bát nước dùng gà
- ½ củ hành tây
- Gia vị, dầu ăn
Sơ chế:
- Hành tây rửa sạch, xắt hạt lựu
- Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch thái miếng mỏng
Cách chế biến:
- Đun nóng dầu ăn sau đó cho hành tây vào xào hơi mềm rồi cho khoai vào xào cùng. Nêm chút gia vị
- Cho nước dùng gà vào nồi khoai đun tầm 30 – 40 phút. Khi khoai nhừ thì tắt bếp.
- Cho hỗn hợp vào xay hoặc tán nhuyễn khoai là có thể cho bé ăn.
2.4. Cháo cà rốt thịt nạc cho trẻ bị rối loạn tiêu hoá
Cà rốt cung cấp lượng vitamin A, B6 cùng với thịt lợn nạc giúp bé dễ tiêu, giảm tình trạng đầy hơi, đi ngoài nhiều lần. Không những thế còn cung cấp lượng dinh dưỡng cần thiết cho bé mà các mẹ nên tham khảo.
Nguyên liệu:
- 40 gam gạo
- 30 gam thịt lợn nạc
- 1/2 củ cà rốt
- Gia vị vừa đủ
Sơ chế:
- Cà rốt nạo vỏ, rửa sạch băm nhuyễn
- Thịt lợn xay nhuyễn
Cách chế biến:
- Cho gạo với nước tỉ lệ 1:10 đun đến khi nhừ
- Cho cà rốt và thịt đã sơ chế đun đến khi thịt và cà rốt chín cùng cháo
- Nêm nếm gia vị vừa đủ
2.5. Cháo trứng gà đậu đỏ cho trẻ bị rối loạn tiêu hoá
Nguyên liệu:
- Gạo lứt: 30 gam
- Đậu đỏ ngâm mềm: 30 gam
- Lòng đỏ trứng gà: 1
- Gia vị, dầu ăn
Sơ chế:
- Ngâm gạo với nước trong 15 phút
- Đậu đỏ ngâm, đãi sạch. Đi đun đến khi mềm, nghiền nhuyễn
- Lòng đỏ trứng hấp chín, tán nhuyễn
Cách chế biến:
- Cho gạo vào nồi đun với tỉ lệ 1:10 đến nhừ. Sau đó cho hỗn hợi trứng và đậu đỏ đã nhuyễn vào đảo đều. Đun trong 5 – 7 phút.
- Nêm nếm gia vị vừa đủ, tắt bếp, sau đó cho 1 thìa dầu ăn cho bé.
2.6 Cháo rau ngót thịt gà cho trẻ bị rối loạn tiêu hoá
Nguyên liệu:
- Thịt gà: 30 gam
- Rau ngót: 30 gam
- Gạo: 40 gam
- Gia vị, dầu ăn
Sơ chế:
- Thịt gà luộc chín, xay nhuyễn
- rau ngót rửa sạch, giã sau đó rây lấy nước
- Gạo ngâm 15 phút
Cách chế biến:
- Cho gạo và nước rau ngót đun nhừ, sau đó cho thịt gà vào đảo đều đun trong 5 – 7 phút
- Cho một chút muối. Tắt bếp, thêm 1 thìa dầu ăn cho bé.
2.7. Cháo cá hồi bí đỏ
Nguyên liệu:
- Cá hồi: 30 gam
- Bí đỏ: 30 gam
- Gạo: 40 gam
- Gia vị vừa đủ
Sơ chế:
- Cá ngồi ngâm với sữa tươi không đường để giảm mùi tanh
- Bí đỏ bỏ vỏ, rửa sạch
- Gạo đãi sạch, ngâm 15 phút
Cách chế biến
- Cá hồi và bí đỏ hấp chín, nghiền nhỏ
- Đun gạo với nước đến nhừ, sau đó thêm cá hồi và bí đỏ. Sau đó thêm gia vị vừa đủ cho bé.
3. 5 loại hoa quả trẻ rối loạn tiêu hoá nên ăn
3.1. Chuối
Chuối là loại hoa quả hàng đầu mẹ nên chọn khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Trong chuối chứa nhiều kali giúp bù điện giải cho trẻ. Thành phần pectin trong chuối giúp ngăn ngừa táo bón vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, chất xơ trong chuối còn giúp hấp thu chất lỏng dư thừa khi trẻ bị tiêu chảy.
Mẹ có thể cho trẻ ăn chuối chín trực tiếp hoặc xay sinh tố chuối cùng với sữa chua.
3.2. Quả bơ
Quả bơ được biết đến là cung cấp lượng lớn chất béo không bão hòa, tốt cho sức khỏe của trẻ. Bơ cung cấp lượng lớn chất xơ và các loại vitamin giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón, duy trì hoạt động của hệ tiêu hóa.
3.3. Táo
Trong táo chứa nhiều loại vitamin như vitamin A, B9, C và các loại khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Nhờ vậy mà táo giúp bổ sung dưỡng chất và hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ. Đặc biệt táo hỗ trợ rất tốt cho trẻ bị táo bón do trong táo chứa nhiều chất xơ.
Tham khảo: Thực đơn giúp bé mau hồi phục khi bị tiêu chảy
3.4. Đu đủ
Đu đủ là một loại hoa quả có hàm lượng dinh dưỡng lớn. 100 gam đu đủ có 70 – 80mg vitamin C, vitamin B1, B2. Bên cạnh đó đu đủ chứa nhiều khoáng chất như kali, sắt, magie rất tốt máu. Đặc biệt trong đu đủ có enzym papain – đây là một protease rất có lợi cho đường tiêu hoá. Chúng giúp phân cắt các protein lớn thành những acid amin nhỏ bé dễ dàng hấp thu.
3.5. Quả kiwi
Là loại quả được xếp hạng trong top đầu các loại trái cây rất tốt cho sức khỏe. Kiwi còn được nghiên cứu chứng minh tác dụng nhuận tràng, cải thiện tình trạng táo bón.
Kiwi rất giàu vitamin C và chất xơ, điều đó rất tốt cho hệ tiêu hoá của trẻ nhỏ
4. 3 nhóm thực phẩm trẻ nên kiêng khi rối loạn tiêu hóa
- Thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh: Một số thực phẩm cụ thể như bánh ngọt, khoai tây chiên, xúc xích. Đây là nhóm thực phẩm chứa nhiều chất béo, chất phụ gia làm tăng tình trạng đầy bụng, khó tiêu cho trẻ.
- Thực phẩm tươi sống, tái: Một số món ăn ngon có thể được chế biến với cách ăn tái nhưng nó lại không phù hợp với hệ tiêu hóa đang gặp vấn đề của trẻ. Trong những loại thực phẩm này cũng tiềm ẩn nhiều loại vi khuẩn có hại cho đường ruột của trẻ.
- Các sản phẩm từ sữa bò không nên dùng cho trẻ không dung nạp lactose hoặc dị ứng đạm bò. Mẹ có thể cho trẻ dùng sữa free lactose với những trẻ bất dung nạp lactose.