Làn da của trẻ nhỏ rất dễ nhạy cảm khi tiếp xúc với những tác nhân có hại từ bên ngoài. Chính vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe làn da cho trẻ đang trở thành mối quan tâm và lo lắng của các mẹ hiện nay. Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ cách phân biệt một số bệnh ngoài da phổ biến ở trẻ để từ đó có cách phòng tránh hoặc xử trí kịp thời.
Mục lục
1. Các nhóm nguyên nhân chính gây bệnh ngoài da ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh ngoài da ở trẻ như:
1.1. Di truyền:
Một trong số ít trường hợp trẻ mắc bệnh ngoài da do yếu tố di truyền như:
- Đột biến gen mã hóa cấu trúc của tế bào sừng (gen keratin) gây ra bệnh dày sừng bàn tay bàn chân.
- Rối loạn quá trình biệt hóa của gen keratin 5, 14 và collagen gây ra bệnh ly thượng bì bọng nước.
- Thiếu hụt hoặc không có enzyme tyrosinase – tham gia vào tổng hợp nên melanin (sắc tố da) khiến trẻ bị bệnh bạch tạng.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều bệnh da có yếu tố di truyền khác mà các nhà khoa học đang tìm hiểu và nghiên cứu cơ chế của chúng.
1.2. Nhiễm khuẩn, vi rút, ký sinh trùng
Đây là nguyên nhân phổ biến gây nên các bệnh ngoài da ở trẻ. Môi trường sống ô nhiễm, thêm vào đó là việc thường xuyên tiếp với khói, bụi, sờ hoặc chạm những vật dơ bẩn,….sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng,… xâm nhập vào cơ thể trẻ và gây bệnh. Da là hàng rào bảo vệ nên sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên.
- Bệnh ngoài da do nhiễm khuẩn: chốc, nhọt, viêm nang lông,…
- Bệnh ngoài da do nhiễm vi rút: bệnh zona, hạt cơm, u mềm lây,…
- Bệnh ngoài da do nhiễm ký sinh trùng: ghẻ, lang ben,…
1.3. Dị ứng:
Việc nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết (quá nóng hay quá lạnh), khói bụi, lông súc vật, dị ứng với thức ăn (sữa bò, trứng, đậu nành,…) cũng là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh ngoài da ở trẻ, chẳng hạn như mề đay, mẩn ngứa, chàm,…
1.4. Dùng thuốc:
Một số thuốc khi sử dụng cho trẻ phải cẩn thận vì chúng có tác dụng phụ là gây mẩn đỏ, ngứa, nổi mề đay, phát ban…như vancomycin, ciprofloxacin, NSAIDs (thuốc kháng viêm không steroid), penicillin,…
1.5. Vệ sinh
Trường hợp không được vệ sinh sạch sẽ (không được thay tã thường xuyên hay tắm rửa sạch sẽ,…) sẽ khiến trẻ bị hăm tã, mụn nhọt, nổi mẩn ngứa,…
2. Hướng dẫn phân biệt chính xác 9 loại bệnh ngoài da ở trẻ
Dưới đây là 9 loại bệnh ngoài da phổ biến ở trẻ và cách phân biệt.
2.1. Chốc lở
a. Biểu hiện:
Xuất hiện bọng nước có đường kính 0,5 – 1 cm, xung quanh có quầng đỏ viêm, hóa mủ nhanh sau vài giờ. Khi bọng nước vỡ ra sẽ đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc nâu nhạt. Sau 7-10 ngày, vảy tiết bị tróc ra, da có màu hồng, bề mặt ẩm ướt, nhẵn, một thời gian sau sẽ lành hẳn và không để lại sẹo.
b. Triệu chứng phân biệt:
Khi bị chốc, trẻ thường bị ngứa (nhiều hoặc ít), không sốt, đôi khi sẽ có hạch viêm. Bệnh xảy ra ở những vùng da hở như tay, chân, cổ, mặt, … Chốc ở đầu sẽ thường kèm theo chấy.
c. Nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh chốc:
- Do trẻ bị nhiễm khuẩn: tụ cầu vàng, liên cầu hoặc cả hai.
- Thời tiết nóng ẩm (mùa hè) cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh chốc.
- Bên cạnh đó, bệnh chốc có thể xảy ra khi trẻ vệ sinh kém hoặc đi kèm với các bệnh về da như chấy rận, ghẻ,…
d. Cách xử trí:
- Vệ sinh da bằng dung dịch sát khuẩn
- Trường hợp tổn thương nhiều, lan tỏa: Các mẹ cho trẻ sử dụng kháng sinh đường uống theo chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là liều lượng dùng cho trẻ em, các mẹ có thể tham khảo:
-
- Cephalexin: 25mg/kg/ngày chia 4 lần uống.
- Docloxaxin: 12mg/kg/ngày chia 4 lần uống.
- Clindamycin: 10-20 mg/kg/ngày chia 3 lần uống.
- Amoxicillin/ clavulanic: 25mg.kg.ngày chia 2 lần uống.
- Nếu điều trị chốc do tụ cầu vàng, đề kháng methicillin thì nên dùng
- Trimethoprim – sulfamethoxazole: 8-12 mg/kg/ngày chia 2 lần uống.
- Vancomycin: 40mg/ngày chia 4 lần (cứ 6 giờ tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch 10mg/ kg)
» Xem thêm: Bệnh chốc lở: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý tại nhà hiệu quả
2.2 Chàm
a. Biểu hiện:
Xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ, sau đó to dần hoặc tập hợp thành bóng nước, ngứa nhiều, sau đó vỡ ra, rỉ dịch vàng và đóng thành vảy.
- Trường hợp nhẹ, da sẽ trở lại bình thường sau vài tuần.
- Trường hợp bội nhiễm (lan tỏa ra nhiều), dịch tiết có mủ, trẻ có thể bị sốt.
b. Triệu chứng phân biệt:
Cần phân biệt chàm với các bệnh sau
- Bệnh ghẻ ngứa: Mụn nước xuất hiện ở kẽ ngón tay, ngón chân, quanh rốn, kẽ mông, thường khiến trẻ ngứa nhiều vào ban đêm.
- Rôm sảy: Mụn nước thường xuất hiện ở vùng da bị ẩm, nóng. Ngứa nhiều khi trời nóng và dịu hơn (giảm ngứa) khi trời mát.
- Zona: Xuất hiện hồng ban, phù nề nhẹ, mụn nước tập trung thành chùm. Trẻ bị ngứa và có cảm giác đau, rát nhiều.
c. Nguyên nhân chủ yếu: Trẻ bị dị ứng với
- Khí hậu: Nhiệt độ, độ ẩm quá cao hoặc quá thấp.
- Thực phẩm: Hải sản, sữa bò, trứng, đậu nành,…
- Lông súc vật, khói, bụi, quần áo làm bằng lông cừu, hay sợi tổng hợp, xà bông, chất tẩy rửa,…
d. Cách xử trí:
- Loại bỏ các tác nhân gây dị ứng đối với trẻ.
- Sử dụng sữa tắm làm dịu da cho trẻ
- Bôi hoặc rửa da cho trẻ bằng dung dịch sát khuẩn.
- Bôi corticoid (hydrocortisone 1% đối với các tổn thương ở vùng mặt và clobetasone 0,5% đối với các tổn thương ở vùng chi và thân): Đây là chỉ định dùng không quá 7 ngày trong trường hợp chàm ở mức độ trung bình hoặc nặng trong giai đoạn bán cấp (tiết dịch ít, da đỏ ít, không còn phù nề) hoặc giai đoạn mãn tính (da đỏ có vảy, ngứa, gãi nhiều da bị dày sừng, liken hóa).
- Dùng thuốc kháng histamin (chống ngứa) trong trường hợp trẻ bị ngứa nhiều.
- Dùng kháng sinh trong trường hợp có dấu hiệu nhiễm khuẩn: dịch có mủ, trẻ bị sốt, có hạch sưng,…
- Việc sử dụng corticoid đường toàn thân cho trẻ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
2.3. Mụn nhọt
a. Biểu hiện:
Đầu tiên xuất hiện ban sẩn nhỏ ở đầu, mặt, cổ, tay, chân, mông. Sau đó sưng nề, tấy đỏ ở nang lông. 2-3 ngày tiếp theo, tổn thương sẽ lan rộng, hóa mủ, ở giữa hình thành ngòi mủ. Lúc này trẻ sẽ cảm thấy đau nhức và khó chịu.
b. Triệu chứng phân biệt: Ở giai đoạn sớm cần phân biệt với trường hợp bị viêm nang lông, mụn trứng cá, herpes da lan tỏa, viêm tuyến mồ hôi mủ.
- Xét nghiệm thấy tăng bạch cầu trong máu.
- Ổ áp xe ở nang lông, cấu trúc nang lông bị phá vỡ, xuất hiện nhiều tế bào viêm, nuôi cấy mủ có tụ cầu vàng phát triển.
c. Nguyên nhân chủ yếu gây nên mụn nhọt là do tụ cầu vàng. Thông thường, vi khuẩn này sẽ sống ký sinh trên da (ở nang lông, rãnh mũi má, hốc tự nhiên như lỗ mũi). Khi hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm, nang lông bị tổn thương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tụ cầu vàng gây bệnh.
d. Cách xử trí:
- Vệ sinh da sạch sẽ
- Bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, probiotics giúp trẻ nâng cao sức đề kháng.
- Ở giai đoạn chưa có mủ, không được tự ý nặn bóp, bôi dung dịch sát khuẩn hằng ngày 2-4 lần.
- Giai đoạn có mủ: phẫu thuật làm sạch thương tổn, lấy mủ ra, dùng dung dịch sát khuẩn
- Dùng kháng sinh bôi tại chỗ cần được khuyến cáo của chuyên gia y tế:
- Kem hoặc mỡ axit fusidic 2% bôi 1- 2 lần ngày.
- Mỡ mupirocin 2% bôi 3 lần/ngày.
- Mỡ neomycin, bôi 2- 3 lần/ngày.
- Dùng kháng sinh toàn thân cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ: cloxacillin, augmentin, azithromycin,…
2.4. Hăm tã
a. Biểu hiện
Nóng đỏ, đau rát ở vùng da được quấn tã, xuất hiện bọng nước, tiết dịch vàng, vỡ ra gây loét. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử, tổn thương bộ phận sinh dục.
b. Nguyên nhân:
- Các mẹ không thay tã cho trẻ thường xuyên, tã ẩm ướt cũng với thời tiết nắng nóng rất dễ dẫn đến tình trạng hăm tã.
- Trẻ bị dị ứng với các thành phần có trong tã.
c. Cách xử trí:
- Khi trẻ bị hăm tã, cần để da trẻ khô thoáng, thay tã cho trẻ thường xuyên, dùng khăn sạch lau xung quanh vùng mông trước khi mặc tã cho trẻ.
- Nếu trẻ bị dị ứng với thành phần có trong tã, các mẹ cần chú ý để đổi loại tã cho trẻ. Nên chọn loại tã phù hợp với làn da của trẻ cùng với đó là thương hiệu tã uy tín và chất lượng.
- Sử dụng sữa tắm làm dịu da cho trẻ.
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế về thuốc bôi ngoài da cho trẻ để giảm bớt tình trạng nóng đỏ, đau rát,…
2.5. Mụn sữa – bệnh ngoài da hay gặp ở trẻ sơ sinh
a. Biểu hiện: Mụn nhỏ li ti nổi trên trán, cằm, má, lưng ngay khi trẻ ra đời hoặc một vài ngày sau sinh.
b. Nguyên nhân: Do thời tiết nắng nóng. Bên cạnh đó, việc trẻ bị dị ứng với thành phần, chất liệu áo quần, thực phẩm (trứng, sữa,… ) cũng là một trong những nguyên nhân gây ra mụn sữa.
c. Cách xử trí:
- Mụn sữa sẽ tự hết sau một vài tuần, do đó các mẹ không cần lo lắng.
- Giữ cho da trẻ được khô thoáng, mát mẻ hay việc phát hiện kịp thời các tác nhân gây dị ứng cho trẻ sẽ làm giảm được được tình trạng mụn sữa ở trẻ.
2.6. Hạt kê
a. Biểu hiện: Những hạt mụn nhỏ li ti màu trắng đục thường có ở mũi, trán và gò má.
b. Nguyên nhân: Do sự ứ đọng chất bã nhờn trên da của trẻ.
c. Cách xử trí: Bệnh sẽ tự khỏi sau một vài tuần. Do đó các mẹ cần lưu ý một số việc sau để tránh ảnh hưởng đến thời gian lành bệnh ở trẻ.
- Tuyệt đối không được chà xát mạnh lên vùng da của trẻ khiến hạt bị bong tróc, đỏ rát,…vì sẽ khiến tình trạng bệnh của trẻ nặng lên.
- Vệ sinh làn da cho trẻ một cách nhẹ nhàng, chỉ nên rửa nhẹ và lau bằng khăn bông mềm.
2.7. Mề đay – Bệnh ngoài da phổ biến
a. Biểu hiện: Quan sát thấy các nốt sần phù có màu đỏ, kích thước to nhỏ khác nhau nổi trên bề mặt da của trẻ. Kích thước và hình dáng của mảng sần thay đổi nhanh chóng, xuất hiện nhanh và cũng mất đi nhanh. Một số trường hợp nổi mề đay thì bị ngứa, càng gãi càng ngứa, hay có cảm giác châm chích hoặc rát bỏng.
b. Triệu chứng phân biệt: Các mẹ cần phân biệt mề đay với một số bệnh ngoài da sau
- Phù Quincke: sẩn phù nổi ở đầu ngón tay, ngón chân, mi mắt, môi, các khớp,…Màu sắc của sẩn phù giống màu da bình thường.
- Viêm mạch mề đay: nổi sẩn phù kéo dài hơn 24 giờ, ít ngứa, ấn vào sẩn thấy mềm.
- Sẩn đỏ hoặc hồng do côn trùng đốt.
- Chứng da vẽ nổi: những vết lằn màu đỏ hồng sau đó chuyển về màu da bình thường, không ngứa.
c. Nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh mề đay
- Dị ứng với thực phẩm: sữa, trứng, hải sản,…
- Dị ứng với thời tiết: quá nóng hoặc quá lạnh.
- Dùng thuốc: penicillin, erythromycin, clarithromycin, azithromycin, thuốc chống viêm không steroid, thuốc ức chế men chuyển, …
- Tiếp xúc với dị nguyên đường hô hấp: lông chó mèo, phấn hoa, bụi,…
- Tiếp xúc với chất hóa học có từ xà phòng, nước hoa,…
- Do di truyền: Bố mẹ bị mề đay thì con cũng có khả năng cao bị mề đay.
- Ngoài ra, một số trường hợp trẻ bị mày đay khác nhưng chưa biết rõ nguyên nhân.
d. Cách xử trí:
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
- Nên ngừng sử dụng thuốc hoặc thực phẩm nghi ngờ bị dị ứng.
- Hạn chế gãi hoặc chà xát mạnh lên da.
- Luôn giữ cho trẻ thoải mái, thoáng mát.
- Trong trường hợp trẻ bị ngứa nhiều, tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng thuốc kháng histamin cho trẻ (loratadine, cetirizin, acrivastine,…).
- Trường hợp trẻ bị nổi mề đay nặng, ngứa nhiều, cảm giác châm chích, đau rát nhiều, kèm theo sốt, người mệt mỏi,…Các mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
2.8. Viêm da dị ứng
a. Biểu hiện: Da đổi màu sang đỏ hoặc nâu sậm, phù nề, cảm giác nóng rát hoặc ngứa, đôi khi xuất hiện mụn nước nhỏ li ti.
b. Triệu chứng phân biệt: So với bệnh ngoài da khác, viêm da dị ứng có cảm giác nóng rát nhiều, gây khó chịu cho trẻ. Nhưng các mẹ cần chú ý để tránh nhầm lẫn với
- Bệnh Zona: xuất hiện hồng ban, phù nề nhẹ, mụn nước tập trung thành chùm. Trẻ bị ngứa và có cảm giác đau, rát nhiều.
- Mề đay: các nốt sần đỏ hoặc mảng sần đỏ khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu. Các nốt này sẽ nhanh chóng mất đi khi khắc phục được nguyên nhân gây ra tình trạng này.
c. Nguyên nhân: Trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như xà phòng, lông súc vật, dầu bôi, nước hoa, quần áo, thực phẩm (sữa, trứng, hải sản,…),…
d. Cách xử trí:
- Các mẹ cần loại bỏ các tác nhân gây dị ứng cho trẻ.
- Bôi dung dịch sát khuẩn và kháng histamin nếu tình trạng viêm lan rộng. Lưu ý rằng việc sử dụng kháng histamin cần có chỉ định của bác sĩ.
- Trong trường hợp trẻ bị viêm nhiều, khó chịu, mệt mỏi, thậm chí sốt,…Các mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời.
2.9. Rôm sảy
a. Biểu hiện: Những nốt đỏ nhỏ, sần sùi ở cổ, tay, chân, lưng,…khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu.
b. Triệu chứng phân biệt: Các mẹ cần chú ý biểu hiện của trẻ để phân biệt với các trường hợp bị trẻ bị chàm (mụn nước nhỏ, ngứa nhiều, khi mụn nước vỡ ra đóng thành vảy).
c. Nguyên nhân chủ yếu gây ra rôm sảy là do thời tiết nắng nóng.
d. Cách xử trí:
- Các mẹ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm mồ hôi.
- Tắm rửa thường xuyên cho trẻ.
- Không được chà xát mạnh lên da của trẻ để tránh trầy xước dẫn đến nhiễm trùng.
Trên đây là 9 bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ nhỏ, mong rằng các mẹ có thể nắm rõ để phân biệt và có cách phòng tránh cũng như xử trí kịp thời khi trẻ mắc bệnh.
3. Các loại lá tắm hạn chế bệnh ngoài da ở trẻ
Bệnh ngoài da là bệnh phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Một trong những cách phòng tránh tốt nhất là tắm rửa sạch sẽ cho trẻ. Dưới đây là các loại lá tắm nhằm hạn chế bệnh ngoài da ở trẻ mà ông bà ta ngày xưa thường dùng:
3.1. Lá trầu không cho trẻ bị bệnh ngoài da
Tên khoa học: Piper betle L.
Thành phần chính:
- Trong 100 g lá trầu không có chứa 2,4 % tinh dầu. Tinh dầu của lá trầu có màu vàng nhạt, mùi thơm nồng, khi nếm có vị cay nóng. Điều đặc biệt là thành phần chính của tinh dầu lá trầu không (Eugenol, chavicol, estragole,…) có hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm mạnh. Chúng ức chế nhiều chủng vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu, phế cầu, trực khuẩn E.coli, trực khuẩn lỵ,…
- Hợp chất phenol trong lá trầu không giúp ức chế sự phát triển và tiêu diệt vi khuẩn bằng cách tạo phức với protein ngoại bào, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn.
Cách tắm cho trẻ
- Lấy 100-200 gam lá trầu không còn tươi, rửa sạch, vò nát hoặc thái nhỏ.
- Cho lá trầu không đã được vò nát hoặc thái nhỏ ở trên vào nước sôi.
- Tiếp theo cho một thìa cà phê muối ăn vào và tiếp tục đun sôi nước 5-7 phút.
- Chuẩn bị chậu tắm cho bé, đổ vào đó 2-3 lít nước đun sôi để nguội. Sau đó cho dung dịch nước trầu không đun sôi ở trên vào, đảm bảo nhiệt độ của nước tắm cho bé từ 35-38 độ C.
- Dùng khăn thấm nước trầu không, lau sạch từng bộ phận của trẻ.
- Tắm lại bằng nước ấm cho trẻ.
- Sau đó, lau khô người và mặc quần áo cho trẻ.
3.2. Lá kinh giới
Tên khoa học: Herba Elsholtzia ciliata
Thành phần chính:
- Hợp chất flavonoid và axit phenolic có hoạt tính chống oxy hóa, ngăn chặn quá trình oxy hóa các gốc tự do có trong cơ thể.
- Axit phenolic tham gia trong việc ngăn ngừa tín hiệu viêm qua trung gian cyclooxygenase giúp làm giảm tình trạng viêm.
- Tinh dầu (menthol, limonene) giúp lưu thông máu, có tính kháng khuẩn, tăng tiết mồ hôi, trị cảm lạnh, nhức đầu, chữa ho…
Cách tắm cho trẻ
- Lấy 100g lá kinh giới tươi, rửa sạch, ép hoặc vò lấy nước.
- Đổ đun sôi vào chậu tắm, thêm nước lá kinh giới đã ép vào, đổ nước sôi để nguội vào để đảm bảo nước trong chậu tắm cho trẻ ở nhiệt độ 35-38 độ C.
- Dùng khăn thấm nước tắm lau sạch toàn bộ cơ thể trẻ.
- Sau đó tắm lại bằng nước ấm cho trẻ.
- Lau khô người và mặc quần áo cho trẻ.
3.3. Lá chè xanh
Tên khoa học: Camellia sinensis
Thành phần chính:
- Tanin catechin có tác dụng chống viêm, giúp vết thương mau lành. Bên cạnh đó, catechin cùng với axit amino theanine giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
- Tinh dầu: có tác dụng kháng khuẩn và khử mùi.
- Hợp chất phenolic: giúp kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn.
- Flavonoid có hoạt tính chống oxy hóa mạnh.
- Vitamin A, B2, B3, C giúp da trẻ hồng hào và khỏe khoắn.
Cách tắm cho trẻ
- Lấy 100-200g lá chè xanh rửa xanh, ngâm muối, sau đó vò nát.
- Cho lá chè xanh đã vò nát vào chậu tắm, đổ nước đun sôi vào, sau đó thêm nước sôi nguội để đảm bảo nước tắm cho trẻ ở nhiệt độ 35-38 độ C.
- Dùng khăn thấm nước tắm lau sạch toàn thân cho trẻ.
- Tắm lại bằng nước ấm cho trẻ để rửa sạch lá chè còn dính lại trên người trẻ.
- Sau đó lau khô người và mặc quần áo cho trẻ.
3.4. Lá mướp đắng cho bệnh ngoài da ở trẻ
Tên khoa học: Momordica charantia L,
Thành phần chính trong lá mướp đắng
- Saponin: có tác dụng kháng khuẩn, kháng vi rút, kháng viêm, làm dịu cơn đau.
- Vitamin C trong mướp đắng giúp cơ thể tăng sức đề kháng, ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
- Charantin giúp lưu thông máu, khiến da trẻ hồng hào.
Cách tắm cho trẻ:
- Lấy 100-200g lá mướp đắng, rửa sạch, ngâm muối.
- Tiếp theo đó, cho vào nước đun sôi từ 5-10 phút.
- Đổ dung dịch nước lá mướp đắng đã đun sôi vào chậu tắm cho trẻ, thêm nước sôi để nguội vào để đảm bảo nước tắm cho trẻ từ 35-38 độ C.
- Dùng khăn thấm nước lá mướp đắng lau quanh vùng trẻ bị rôm sảy.
- Tắm lại nước sạch cho trẻ.
- Dùng khăn lau khô và mặc quần áo cho trẻ.
3.5. Lá sài đất
Tên khoa học: Wedelia chinensis Osbeck
Thành phần chính trong lá sài đất
- Chlorophyll là một chất diệp lục trong lá có khả năng thúc đẩy quá trình phục hồi và chữa lành tổn thương da, ngăn ngừa nguy cơ thâm sẹo.
- Hợp chất chứa flavonoid, saponin, carotenoid… giúp kháng khuẩn, chống viêm mạnh, làm giảm nhanh các triệu chứng ngứa ngáy và mẩn đỏ trên da.
Cách tắm cho trẻ
- Lấy 100-300g lá sài đất tươi, rửa sạch, ngâm muối. Sau đó, vò nát, ép lấy nước, bỏ phần bã.
- Cho nước ép sài đất vào 2 lít nước, đun sôi 5-7 phút, để nguội hoặc hòa loãng với nước đun sôi để nguội để đảm bảo nước tắm cho trẻ ở nhiệt độ 35-38 độ C.
- Dùng khăn sạch thấm nước sài đất lau người cho trẻ.
- Tắm lại cho trẻ bằng nước ấm, lau khô người và mặc quần áo cho trẻ.
3.5. Lá cây chó đẻ (diệp hạ châu đắng)
Tên khoa học: Phyllanthus urinaria
Thành phần chính trong cây chó đẻ
- Alkaloid: có tác dụng làm giảm viêm, ngăn ngừa mụn nhọt, viêm da,…
- Flavonoid, triterpenoid,… chống oxy hóa, kháng khuẩn mạnh.
- Vitamin và khoáng chất giúp trẻ có một làn da mịn màng, khỏe mạnh.
Cách tắm cho trẻ:
- Lấy 100-300g lá cây chó đẻ, rửa sạch sau đó bỏ vào nồi nước, đun sôi tầm 5-7 phút.
- Sau đó để nguội hoặc hòa loãng bằng nước sôi để nguội để đảm bảo rằng nước tắm cho trẻ có nhiệt độ 35-38 độ C.
- Dùng nước đó tắm cho trẻ từ 5-10 phút, không nên tắm quá lâu.
- Tắm lại nước ấm cho trẻ một lần nữa, lau khô người và mặc quần áo cho trẻ.
4. Nguyên tắc phòng bệnh ngoài da ở trẻ
Bệnh ngoài da là một bệnh rất dễ gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là thời tiết nắng nóng. Do đó, các mẹ cần nắm rõ các nguyên tắc sau đây để phòng bệnh ngoài da cho trẻ.
- Luôn giữ cho da trẻ khô ráo, thoáng mát.
- Thường xuyên tắm rửa cho trẻ.
- Chú ý thay tã cho trẻ thường xuyên (4 tiếng thay 1 lần), khi thay tã cho trẻ cần dùng khăn sạch lau xung quanh vùng mông trẻ.
- Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa và đồ chơi cho trẻ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, lông vật nuôi,…
- Bổ sung các thực phẩm giúp tăng sức đề kháng cho trẻ: thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả,…), probiotics,…
- Tránh để trẻ bị côn trùng đốt.
Tổng kết
Bệnh ngoài da không chỉ xảy ra phổ biến ở người lớn mà còn đối với ở trẻ em. Việc biết được nguyên nhân gây bệnh cho trẻ sẽ giúp các mẹ có biện pháp phòng tránh phù hợp. Bên cạnh đó, bài viết trên còn giúp các mẹ nắm rõ hơn về 9 loại bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ , từ đó có cách chăm sóc cũng như xử trí hợp lý khi trẻ mắc bệnh.
» Xem thêm: Nước vôi nhì – 5 nguyên tắc sử dụng đúng cho trẻ
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Nguồn tham khảo
Dược sĩ Hải Yến tốt nghiệp ĐH Dược Hà Nội, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhi khoa, dặc biệt lĩnh vực tiêu hóa, dinh dưỡng, da liễu nhi khoa. Hiện tại Dược sĩ Hải Yến đảm nhiệm vị trí tư vấn tại FHI Việt Nam.