Tại sao các bà mẹ được khuyến cáo nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu? Bởi sữa non chứa lượng lớn chất dinh dưỡng cần thiết và kháng thể tạo miễn dịch tốt nhất cho trẻ nhỏ. Một trong những tác nhân bảo vệ được tìm thấy trong sữa non là lactoferrin. Bài viết sau sẽ trình bày 9 vai trò của lactoferrin đối với sức khỏe con người!
Mục lục
- 1. Hiểu đúng về lactoferrin
- 2. 9 vai trò của lactoferrin đối với sức khỏe con người
- 2.1. Hỗ trợ trong trường hợp nhiễm khuẩn
- 2.2. Cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn da
- 2.3. Giảm tình trạng loãng xương
- 2.4. Kích thích hệ thống miễn dịch
- 2.5. Ngăn ngừa tổn thương liên quan đến lão hóa
- 2.6. Thúc đẩy vi khuẩn lành mạnh trong ruột
- 2.7. Điều hòa sự trao đổi chất sắt
- 2.8. Cải thiện tình trạng tiêu chảy tiêu chảy
- 2.9. Hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư
- 3. Đối tượng nên sử dụng lactoferrin
- 4. Liều lượng và cách dùng lactoferrin
- 5. Tác dụng không mong muốn và thận trọng khi sử dụng
- TÓM LẠI
1. Hiểu đúng về lactoferrin
1.1. Lactoferrin là chất gì?
Lactoferrin là một loại protein trọng lượng phân tử lớn, có chức năng liên kết và vận chuyển sắt. Không chỉ thế, protein này còn có nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người như tăng miễn dịch, ngăn ngừa ung thư, giảm mụn, giảm loãng xương, chống lão hoá…
1.2. Sữa có chứa lactoferrin
Lactoferrin được tìm thấy trong sữa của động vật có vú. Trong đó, sữa có chứa hàm lượng lactoferrin lớn nhất là sữa non. Đây là sữa của phụ nữ vừa mới sinh. Hàm lượng lactoferrin trong sữa mẹ giảm dần theo thời gian và hoàn toàn biến mất sau 9 tháng cho con bú. Do đó, trẻ nên bú sữa non ít nhất trong 6 tháng đầu hay bổ sung sữa lactoferrin nếu mẹ ít sữa hay không có sữa.
Ngoài ra, lactoferrin còn được tìm thấy trong nước bọt, nước mắt hay chất nhầy và mật với nồng độ rất thấp.
2. 9 vai trò của lactoferrin đối với sức khỏe con người
Lactoferrin có nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Cụ thể:
2.1. Hỗ trợ trong trường hợp nhiễm khuẩn
Theo 1 báo cáo công bố trên Tạp chí Nhiễm trùng và Hóa trị năm 2014, lactoferrin ức chế quá trình gắn virus với tế bào trong cơ thể và sự nhân lên của virus.
Tác dụng kìm khuẩn của chúng có phổ rộng, bao gồm vi khuẩn gram âm và gram dương, vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí, virus, nấm và ký sinh trùng.
Cơ chế tác dụng:
- Lactoferrin có điện tích dương, gắn với các phân tử mang điện tích âm trên bề mặt tế bào vi khuẩn. Từ đó giúp trung hòa điện tích, tạo điều kiện cho lysozyme phá hủy màng tế bào vi khuẩn.
- Lactoferrin gắn trực tiếp lên glycosaminoglycans (GAGs), tác dụng ngăn cản quá trình gắn virus – tế bào chủ. Cơ chế này có tác dụng trên nhiều virus khác nhau như herpes simplex virus, HIV, hepatitis B virus, CMV...
2.2. Cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn da
Theo kết quả 1 nghiên cứu công bố trên tờ Dinh dưỡng năm 2010, sử dụng lactoferrin giúp giảm mụn, viêm nhiễm trên da, mụn trứng cá và da giảm tiết bã nhờn. Vai trò này được giải thích bởi tác dụng kìm khuẩn, tránh viêm nhiễm da của lactoferrin.
2.3. Giảm tình trạng loãng xương
Theo 1 báo cáo thử nghiệm công bố trên tạp chí khoa học PLoS One năm 2015, lactoferrin kết hợp với hydroxyapatite khoáng chất có khả năng kích thích tăng sinh tế bào tạo xương.
Theo kết quả 1 nghiên cứu công bố trên tạp chí Osteoporosis International (tạp chí được thành lập bởi Hội loãng xương quốc tế) năm 2009, bổ sung lactoferrin làm giảm sự tái hấp thu xương và thúc đẩy quá trình hình thành xương.
2.4. Kích thích hệ thống miễn dịch
Lactoferrin được coi là protein kích thích và điều hoà hệ thống miễn dịch, là một phần của hệ miễn dịch bẩm sinh. Nó tham gia gián tiếp vào phản ứng miễn dịch đặc hiệu.
Cơ chế tác dụng: lactoferrin mang điện tích dương, liên kết với các phân tử điện tích âm trên bề mặt các tế bào của hệ thống miễn dịch. Từ đó, kích hoạt con đường tín hiệu dẫn đến phản ứng miễn dịch.
2.5. Ngăn ngừa tổn thương liên quan đến lão hóa
Lactoferrin bổ sung cho cơ thể nguồn đạm lớn, giúp nuôi dưỡng tế bào, chống lão hoá do thiếu chất nuôi tế bào. Đồng thời, lactoferrin liên kết với ion sắt, loại bỏ gốc tự do từ sắt giúp ngăn ngừa tổn thương do lão hoá.
Tuy nhiên, cơ chế ngăn ngừa tổn thương liên quan đến chống lão hóa của lactoferrin chưa được làm rõ.
2.6. Thúc đẩy vi khuẩn lành mạnh trong ruột
Theo 1 báo cáo công bố trên Tạp chí Thế giới Gastroenterology năm 2014, sữa lactoferrin có thể loại bỏ Helicobacter pylori và giảm tỷ lệ nhiễm trùng nhờ cơ chế phá hủy màng tế bào của vi khuẩn. Từ đó, thúc đẩy hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột và dạ dày phát triển.
2.7. Điều hòa sự trao đổi chất sắt
Cấu trúc phân tử lactoferrin gồm 2 vị trí có khả năng gắn và vận chuyển sắt tự do đến tế bào, cạnh tranh với vi khuẩn. Không những thế, lactoferrin còn tước bỏ sắt trong cấu trúc của vi sinh vật nhờ ái lực với sắt rất mạnh. Từ đó, góp phần nuôi dưỡng tế bào và ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn.
2.8. Cải thiện tình trạng tiêu chảy tiêu chảy
Năm 2015, khoa Nội – Trung tâm Y tế Đại học Rush, Chicago đã thực hiện nghiên cứu “Ảnh hưởng của Lactoferrin trong tiêu chảy và nhiễm trùng đường hô hấp của trẻ cai sữa.” [1]
Kết quả nghiên cứu cho thấy:
Tỷ lệ xuất hiện của các bệnh liên quan đến tiêu chảy ở trẻ em ở nhóm uống sữa non lactoferrin và trẻ bú sữa mẹ thấp hơn đáng kể ở trẻ ở nhóm trẻ uống sữa không chứa lactoferrin. Tuy nhiên, cơ chế của tác dụng cải thiện tình trạng tiêu chảy này vẫn chưa được xác định.
» Xem thêm: 6 bước cần thực hiện ngay khi bé bị tiêu chảy
2.9. Hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư
Lactoferrin có khả năng kháng lại vi khuẩn HP – tác nhân gây ung thư dạ dày, đường ruột. Một số khảo sát cho thấy, chúng còn ngăn ngừa quá trình di căn khối tế bào ung thư. Tuy nhiên, cơ chế tác dụng chưa được làm rõ.
3. Đối tượng nên sử dụng lactoferrin
Bất kỳ đối tượng nào cũng nên bổ sung lactoferrin để tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa nhiều bệnh lý. Đặc biệt là một số đối tượng sau:
- Trẻ em: trẻ sơ sinh nên bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu. Trường hợp mẹ ít sữa, không có sữa hay trẻ cai sữa, mẹ nên cho trẻ uống sữa chứa lactoferrin.
- Phụ nữ có thai và cho con bú: tăng cường miễn dịch cho cả mẹ và thai nhi.
- Người già, người mới ốm dậy hay người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch như viêm gan B, HIV/AIDS…
4. Liều lượng và cách dùng lactoferrin
4.1. Liều lượng
Liều lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố của đối tượng sử dụng như: độ tuổi, tình trạng sức khoẻ, khả năng hấp thụ…
- Liều khuyến cáo cho phụ nữ mang thai: 200-250 mg/kg/ ngày x 8 tuần.
- Liều khuyến cáo cho trẻ bị nhiễm trùng huyết: 100-250 mg hay 100-200 mg/ kg/ ngày.
- Đối với mục đích điều trị viêm gan C, liều giao động trong khoảng 1,8 – 3,6g.
4.2. Cách dùng
- Đối với dạng viên: nuốt nguyên viên cùng một ít nước ấm, dùng sau bữa ăn 30 phút.
- Đối với bột sữa non: pha sữa với lượng nước ấm vừa đủ.
5. Tác dụng không mong muốn và thận trọng khi sử dụng
5.1. Tác dụng không mong muốn
Chưa có ghi nhận nào về tác dụng không mong muốn của lactoferrin khi sử dụng đúng liều. Tuy nhiên, sử dụng quá liều có thể gây một số hiện tượng như mệt mỏi, ớn lạnh, chán ăn, táo bón, phát ban…
5.2. Thận trọng khi sử dụng lactoferrin
Ở thời điểm hiện tại, chưa có nghiên cứu nào khẳng định độ an toàn của lactoferrin khi sử dụng lâu dài trên 1 năm. Đồng thời, chưa có các thông tin về tương tác lactoferrin với thuốc, thực phẩm khác.
Do đó, chúng ta cần thận trọng khi sử dụng lactoferrin kéo dài và khi đang sử dụng thuốc khác. Sử dụng đúng liều, đúng cách và ngừng sử dụng ngay khi gặp triệu chứng bất thường như: phát ban, nổi mẩn, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, li bì…
TÓM LẠI
Như vậy, lactoferrin có trong sữa non có vai trò quan trọng trong cơ thể con người, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và những đối tượng có hệ miễn dịch yếu. Bổ sung sữa non lactoferrin là cần thiết, nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ và sử dụng đúng liều, đúng cách. Mong bạn đọc đã có được những thông tin hữu ích!
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Nguồn tham khảo: