Men vi sinh (probiotic) là các sản phẩm chứa lợi khuẩn đường ruột. Men ví sinh đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích đáng kể trong việc cân bằng hệ vi sinh đường ruột ở trẻ nhỏ. Lựa chọn đúng loại probiotic giúp bé dễ tiêu hóa thức ăn và khôn lớn mỗi ngày. Vậy Probiotics mang lại những lợi ích cụ thể nào cho con bạn? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Mục lục
- 1. Probiotics (lợi khuẩn) giúp tăng cường hàng rào bảo vệ hệ tiêu hóa
- 2. Loại trừ vi khuẩn gây tổn thương hệ tiêu hóa
- 3. Lợi khuẩn giúp nâng cao sức đề kháng, phòng nhiễm khuẩn
- 4. Giúp bé tăng cường hấp thu triệt để dưỡng chất
- 5. Lợi khuẩn giúp giảm triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ
- 6. Giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính
- 7. Nâng cao trí tuệ của trẻ:
- 8. Trẻ ăn ngon miệng hơn khi bổ sung lợi khuẩn
- 9. Phục hồi tổn thương niêm mạc ruột
- 10. Tạo khuẩn chí khỏe mạnh những năm đầu đời
1. Probiotics (lợi khuẩn) giúp tăng cường hàng rào bảo vệ hệ tiêu hóa
Lợi khuẩn đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập hàng rào niêm mạc trong thời kỳ sơ sinh. Đồng thời duy trì chức năng này trong suốt cuộc đời. Nhiều yếu tố góp phần vào chức năng của hàng rào niêm mạc, bao gồm tính toàn vẹn của tế bào niêm mạc ruột, lớp chất nhày bao quanh niêm mạc…
- Chất nhầy – được ví như “lớp áo” giúp ngăn cản sự tác động trực tiếp của các yếu tố bất lợi (như nội độc tố, vi khuẩn gây bệnh,…) làm tổn thương tới tế bào niêm mạc ruột. Lợi khuẩn giúp bảo vệ lớp áo này bằng cách:
- Tổng hợp và tiết ra các peptit có tính kháng khuẩn.
- Sản xuất butyrate (do hoạt động lên men của lợi khuẩn đường ruột). Làm tăng tiết chất nhầy và hỗ trợ các chức năng điều hòa của tế bào T trong ruột
- Probiotics còn có khả năng cạnh tranh vi trí bám dính với các vi khuẩn gây bệnh tại niêm mạc ruột. Từ đó, ngăn cản các hại khuẩn gắn vào niêm mạc ruột để gây bệnh. Chủng lợi khuẩn phổ biến thường được bổ sung là Lactobacillus và Bifidobacterium. Trong đó chủng Bifidobacterium chiếm tới 90% lợi khuẩn đường ruột và 99% lợi khuẩn ở đại tràng. Chúng có khả năng cạnh tranh vị trí bám tốt hơn so với các loại lợi khuẩn khác.
2. Loại trừ vi khuẩn gây tổn thương hệ tiêu hóa
Hệ tiêu hóa của trẻ trong những năm đầu đời còn non nớt. Vì vậy rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây hại. Vì vậy, việc bổ sung lợi khuẩn giúp loại trừ vi khuẩn, bảo vệ hệ tiêu hóa.
Các cơ chế tác động của lợi khuẩn là:
- Làm giảm pH tại ruột ( do tạo các sản phẩm của quá trình lên men như axit lactic, axit acetic,…), từ đó, ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại.
- Cạnh tranh chất dinh dưỡng.
- Tiết các Bacteriocin – đó là những hợp chất chống vi khuẩn.
- Phòng ngừa vi khuẩn kết dính và xâm nhập vào các tế bào biểu mô.
- Kích thích sản xuất các defensin – đó là hợp chất kháng khuẩn của con người.
3. Lợi khuẩn giúp nâng cao sức đề kháng, phòng nhiễm khuẩn
Các nhà khoa học chỉ ra rằng: “70% tế bào miễn dịch của con người nằm tại hệ tiêu hóa”. Điều này khẳng định: để có một cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cần có một hệ tiêu hóa tốt, mà trong đó, cân bằng hệ vi sinh đường ruột chính là yếu tố quyết định.
Lợi khuẩn nâng cao sức đề kháng, phòng nhiễm khuẩn bằng cách:
- Thúc đẩy sự trưởng thành của các tế bào đuôi gai và các tế bào miễn dịch khác (đại thực bào, tế bào trình diện kháng nguyên, …)
- Tăng tiết các cytokin IL-1β, IL-6, IL-10, IFN-α và TNF-α, tăng cường đáp ứng miễn dịch.
Một số tác dụng, được xem xét bởi Delcenserie và cộng sự, được liệt kê như sau:
- Bifidobacterium lactis, Bb12 làm tăng khả năng thực bào.
- Lactobacillus rhamnosus, L.acidophilus, L.paracasei có khả năng ức chế tế bào lympho tăng sinh và gây chết tế bào.
- Dọc thành ruột có nhiều hạch lympho – nơi sản xuất các tế bào miễn dịch cho cơ thể và chúng đóng góp đến 70% sức đề kháng của cơ thể . Khi bổ sung lợi khuẩn sẽ giúp làm tăng sự sản sinh các kháng thể IgA và tế bào thực thể (tế bào miễn dịch tự nhiên).
- Ngoài ra, sự dồi dào các lợi khuẩn còn giúp tạo màng chắn trên bề mặt niêm mạc ruột, ngăn cản vi khuẩn, virus gây bệnh xâm nhập.
- Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy người được bổ sung lợi khuẩn sau khi tiêm phòng sởi 2 tuần, sẽ có sức đề kháng tốt hơn người không bổ sung lợi khuẩn. Ngoài ra các bệnh nhân bệnh viêm loét cũng mau lành vết thương hơn.
4. Giúp bé tăng cường hấp thu triệt để dưỡng chất
4.1. Lợi khuẩn giúp bé hấp thu vitamin và khoáng chất
Lợi khuẩn giúp tăng khả năng hấp thu sắt, canxi, các khoáng chất khác đồng thời chúng cũng giúp tổng hợp các vitamin nhóm B, tham gia vào hoạt động phân giải các chất đạm, chất béo chuyển hóa thành năng lượng. Các vitamin nhóm B được xem là có tác dụng rất tốt cho não bộ, giúp giúp an thần, giảm căng thẳng, ổn định hệ trục não – ruột, giảm thiểu các cơn đau bụng.
4.2 Lợi khuẩn kích thích tăng tiết enzym tiêu hoá
Đối với chủng lợi khuẩn Bifidobacterium, nó còn có khả năng kích thích tăng tiết enzyme lactase của đường ruột, hỗ trợ cơ thể bé tiêu hóa đường lactose, đối với trường hợp bất dung nạp rất hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Hệ vi sinh đóng một vai trò rất quan trọng ở đường tiêu hóa, đặc biệt là ở đại tràng. Ở đại tràng có khoảng 400 – 500 loại vi khuẩn có ích khác nhau, trong đó phổ biến nhất là Bifidobacterium – chiếm 90% lợi khuẩn đường ruột và 99% lợi khuẩn ở đại tràng. Ngoài việc tham gia vào khâu cuối cùng của quá trình tiêu hóa, chúng còn đảm nhiệm chức năng bảo vệ đại tràng.
Các vi khuẩn này có nhiệm vụ biến đổi chất xơ thực phẩm, thức ăn chưa tiêu hóa hết ở ruột non thành acid lactic, acetic, butyric, hàng loạt vitamin, axit amin, men, hocmon và các chất dinh duỡng quan trọng khác. Đồng thời sinh ra các khí như NH3, CO2, H2S… Quá trình biến đổi đó gọi chung là quá trình lên men, mà nhờ nó, thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn.
5. Lợi khuẩn giúp giảm triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ
Tìm hiểu về rối loạn tiêu hóa ở trẻ:
Táo bón, tiêu chảy là những biểu hiện thường gặp ở trẻ khi bị rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, có thể gặp một số triệu chứng khác như trướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn trớ, phân sống, trẻ lười ăn hoặc kém hấp thu,… Nếu để tình trạng này kéo dài, trẻ dễ rơi vào vòng xoắn biếng ăn – rối loạn tiêu hóa – suy dinh dưỡng không bao giờ dứt.
Nguyên nhân chủ yếu gây nên rối loạn tiêu hóa là sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột đến từ:
- Chế độ ăn không hợp lý: giàu đạm, đường, chất béo, ít chất xơ, vitamin, chất khoáng…
- Sử dụng kháng sinh đường uống kéo dài: kháng sinh tiêu diệt cả lợi khuẩn và hại khuẩn trong ruột, gây nên tình trạng “loạn khuẩn ruột”.
Lợi ích cụ thể của lợi khuẩn với tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ:
Khi hệ vi khuẩn đường ruột trở nên mất cân bằng, các vi khuẩn có hại sẽ nhân cơ hội này để gây hại cho đường tiêu hóa của trẻ. Bổ sung lợi khuẩn sẽ giúp lập lại cân bằng vốn có của hệ thống tiêu hóa.
Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận rằng, Bifidobacterium làm bình thường hóa quá trình vận chuyển tại ruột. Chúng có khả năng rút ngắn thời gian vận chuyển tại ruột đối với những trường hợp bị táo bón, đồng thời kéo dài thời gian này ở những trường hợp bị tiêu chảy. Qua đó, có thể thấy rằng, lợi khuẩn có vai trò rất lớn trong việc làm giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
6. Giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính
Khả năng tăng cường miễn dịch, bảo vệ đường tiêu hóa. Lợi khuẩn có khả năng làm giảm nguy cơ gặp các bệnh lý mãn tính ở trẻ nhỏ như:
Viêm ruột hoại tử (NEC):
Chế độ ăn không hợp lý, thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh và những thay đổi của hệ vi khuẩn đường ruột được cho là góp phần quan trọng làm gia tăng nguy cơ NEC ở trẻ sinh non. Một tổng quan Cochrane dựa trên 9 nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên kết luận rằng bổ sung probiotic đường ruột ở trẻ sinh non làm giảm đáng kể cả tỷ lệ mới mắc NEC (giai đoạn II hoặc hơn) và tử vong.
Bệnh viêm ruột (IBD):
Một trong những ứng dụng lâm sàng trong tương lai quan trọng của probiotic là điều trị và phòng ngừa bệnh viêm ruột tái phát. Đã có báo cáo rằng từ 40 đến 70% trẻ em và người trưởng thành bị IBD thường xuyên sử dụng thuốc thay thế, bao gồm probiotic, như là một thuốc hổ trợ hoặc thay thế thuốc thường sử dụng.
Lý do sử dụng probiotic trong điều trị IBD bắt nguồn từ việc quan sát thấy rằng ở một số bệnh nhân mắc IBD, có tình trạng viêm mạn tính để đáp ứng với hệ vi khuẩn cộng sinh trong đường tiêu hóa, do một vài khiếm khuyết di truyền của con đường phản ứng viêm bẩm sinh. Điều chỉnh hệ vi khuẩn cộng sinh đường ruột bằng probiotic được cho là làm giảm phản ứng viêm trong IBD.
Ngoài ra còn có các bệnh như:
- Viêm đường hô hấp cấp
- Viêm phổi mãn tính
- Viêm đường tiết niệu
- Viêm dạ dày, tá tràng
- Viêm phế quản co thắt,…
7. Nâng cao trí tuệ của trẻ:
Chúng ta có một mạng lưới thần kinh phong phú được gọi là hệ thống thần kinh ruột. Điều thú vị là khoảng 90% các sợi dây thần kinh này mang tín hiệu từ ruột lên não, chứ không phải ngược lại. Định hướng này cho phép các vi khuẩn trong ruột gửi những thông điệp mạnh mẽ, có thể chỉ đạo quá trình xử lý cảm xúc cấp cao xảy ra trong não.
Bằng kết nối ruột – não, lợi khuẩn có khả năng:
7.1 Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của các tế bào thần kinh
Các hợp chất được tạo ra bởi các vi sinh vật trong ruột kích thích giải phóng các yếu tố tăng trưởng thần kinh. Các protein khuyến khích sự hình thành và tồn tại của các tế bào hệ thần kinh.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lợi khuẩn mà chủ yếu là chủng Bifidobacterium có khả năng ảnh hưởng đến não. B.longum có thể làm giảm trầm cảm và lo lắng. B.bifidum giúp tạo ra các vitamin như K và B-12, cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng.
7.2. Kích thích trí nhớ và học tập
Một số chủng vi khuẩn đường ruột tạo ra các hóa chất kích thích phản ứng giao cảm. Chúng gây phản ứng “tích cực” trong các bộ phận cụ thể của não. Điều này thường xảy ra ở các vùng như vỏ não trán và hồi hải mã. Do đó, các chất chuyển hóa của vi khuẩn rất quan trọng để bắt đầu các quá trình sinh hóa liên quan đến trí nhớ và học tập.
7.3. Tạo nên những thay đổi trong tâm trạng.
Các vi sinh vật giúp sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh điều chỉnh tâm trạng như serotonin, GABA và melatonin. Ví dụ Lactobacillus và Bifidobacterium tổng hợp axit gamma-aminobutyric (GABA) từ bột ngọt. Người ta cho rằng gần 95% serotonin của cơ thể được sản xuất trong ruột.
Có thể thấy hệ vi sinh vật đường ruột mà chủ yếu là lợi khuẩn có ảnh hưởng rất lớn đến não.
8. Trẻ ăn ngon miệng hơn khi bổ sung lợi khuẩn
Lợi khuẩn góp phần tạo thành hàng rào ngăn các vi khuẩn gây bệnh xâm nhập. Chúng kích thích hoạt động của các men tiêu hóa. Đồng thời lợi khuẩn làm tăng quá trình tiêu hóa: chất đạm, mỡ, đường, tham gia vào sự tổng hợp vitamin, giúp trẻ ăn ngon hơn.
9. Phục hồi tổn thương niêm mạc ruột
Hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non nớt, chưa được phát triển đầy đủ. Sử dụng lợi khuẩn giúp tạo nên hàng rào bảo vệ hệ tiêu hóa. Ngăn cản sự xâm nhập của các yếu tố bất lợi vào tế bào niêm mạc ruột. Đồng thời, lợi khuẩn còn tăng sản sinh kháng thể IgA và các tế bào miễn dịch tự nhiên. Những điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi niêm mạc ruột khi tổn thương.
10. Tạo khuẩn chí khỏe mạnh những năm đầu đời
Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh luôn có sự cân bằng 85% lợi khuẩn và 15 % hại khuẩn. Trong những năm tháng đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non nớt, sức đề kháng chưa hoàn thiện rất dễ bị vi khuẩn, virus có hại từ bên ngoài xâm nhập và tấn công gây bệnh. Trong khi đó các lợi khuẩn có sẵn bên trong hệ tiêu hóa chưa đủ sức ngăn chặn.
Vi khuẩn có hại xâm nhập từ đường tiêu hoá (ăn uống), đường hô hấp. Điều đó khiến trẻ gặp tình trạng chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, hấp thu kém. Nếu để lâu ngày trẻ sẽ mệt mỏi gây ra tình trạng chán ăn, biếng ăn. Việc bổ sung lợi khuẩn sẽ đảm bảo hệ vi khuẩn luôn được cân bằng, tạo tiền đề cho sự phát triển của trẻ.
Tóm lại:
Lợi khuẩn có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe đường ruột. Giúp trẻ tránh khỏi những vấn đề về đường tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón,…cũng như cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ nhỏ. Vì vậy cha mẹ nên cân nhắc sử dụng lợi khuẩn để bảo vệ sức khỏe cho con mình . Mong rằng, bài viết này đã đem lại những kiến thức hữu ích cho bạn!
➤ Xem thêm: Những lợi ích không ngờ của lợi khuẩn đường ruột
Nguồn tài liệu tham khảo: