Bệnh lý đường tiêu hóa thường rất hay gặp ở đối tượng trẻ em. Việc thực hiện xét nghiệm phân góp phần giúp bác sĩ chẩn đoán được bệnh. Chính vì vậy, các mẹ cùng tìm hiểu các chỉ số xét nghiệm phân trẻ mang ý nghĩa đặc biệt nào thông qua bài viết này nhé.
Mục lục
- 1. Khi nào trẻ cần làm xét nghiệm phân?
- 2. Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm phân
- 2.1. Xét nghiệm phân về màu sắc
- 2.2. Xét nghiệm phân về độ đặc
- 2.3. Xét nghiệm phân về mùi
- 2.4. Xét nghiệm độ chua của phân
- 2.5. Chất béo
- 2.6. Máu, chất nhầy
- 2.7. Bạch cầu
- 2.8. Lượng đường trong phân.
- 2.9. Tìm thấy virus, ký sinh trùng trong phân
- 2.10. Cấy phân
- 2.11. Chất độc của Clostridium Difficile trong phân
- 3. Những việc cần chuẩn bị trước khi thực hiện xét nghiệm phân
- 4. Một số cơ sở y tế Nhi khoa uy tín có thể thực hiện xét nghiệm phân cho trẻ
1. Khi nào trẻ cần làm xét nghiệm phân?
Xét nghiệm phân đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm các bệnh lý về tiêu hóa ở trẻ. Bác sỹ thường chỉ định xét nghiệm phân trong các trường hợp sau:
- Nhiễm trùng do những loại vi khuẩn, virus hoặc các loại ký sinh trùng xâm nhập hệ tiêu hóa.
- Trẻ gặp phải một số rối loạn khi hấp thu đường, chất béo hoặc các chất dinh dưỡng khác.
- Nghi ngờ bị chảy máu bên trong đường tiêu hóa.
- Trẻ bị tiêu chảy, tình trạng này kéo dài hơn 2 ngày nhưng không có dấu hiệu giảm, đi ngoài nhiều lần và phân nhiều nước.
- Ở trẻ mà phân có hiện tượng lẫn nhầy, có máu, trẻ đau và kêu khóc khi sờ nắn bụng. Trẻ nôn nhiều và rất khó để cho trẻ ăn uống.
- Nếu thấy trẻ có dấu hiệu mất nhiều nước như mắt trũng, môi khô, da nhăn và đi tiểu ít, khóc nhiều nhưng không có nước mắt thì mẹ nên cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt, để tìm ra nguyên nhân và có hướng xử trí đúng đắn.Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm phân
2. Ý nghĩa của các chỉ số xét nghiệm phân
Trong các trường hợp được bác sĩ chỉ định xét nghiệm phân như trên, việc đọc hiểu các chỉ số xét nghiệm sẽ giúp ích cho các mẹ rất nhiều.
Trước tiên, trên mẫu phân ban đầu của trẻ, chúng ta có thể đánh giá sơ bộ tình trạng phân như màu sắc, phân rắn hay lỏng, có nhầy và có mùi khác lạ hay không. Sự đánh giá tình trạng phân ban đầu cũng sẽ giúp bác sĩ định hướng về kết quả thu được.
2.1. Xét nghiệm phân về màu sắc
Bình thường, bilirubin (một chất màu xanh có trong muối mật) bị hydro hóa thành stercobilinogen màu vàng. Chất này lại tiếp tục đi theo ống tiêu hóa và bị oxy hóa thành stercobilin màu nâu. Hai phản ứng trên đều do tác động của vi khuẩn ờ đại tràng. Stercobilin có thể chuyển thành màu sẫm do tác dụng của không khí hoặc của các chất albuminoid khi lên men thối.
Đại tràng trẻ sơ sinh chưa có vi khuẩn nên phân giữ màu vàng của bilirubin và hơi xanh nếu bilirubin được chuyển thành biliverdin do vi khuẩn.
Phân trẻ có thể có các màu khác nhau do nhiều nguyên nhân, cụ thể như:
- Màu ngả xanh: trong trường hợp phân vận chuyển qua đại tràng nhanh, bilirubin chưa kịp chuyển thành stercobilin, ra ngoài bị oxy hóa.
- Vàng sẫm: khi ăn nhiều thịt và trong trường hợp mật tiết ra quá nhiều.
- Trắng: do thiếu mật, trong bệnh có tắc mật
- Đen: do chảy máu ở dạ dày, tá tràng, ruột hoặc khi uống thuốc có chất sắt, than hoạt và bismuth.
- Đỏ: do chảy máu ở phần cuối đại tràng.
2.2. Xét nghiệm phân về độ đặc
Bình thường, phân hơi mềm và thành khuôn như hình ống. Lượng nước trong phân chiếm khoảng 78%, chất đặc là 22%.
Thể chất của phân:
- Rắn: chất đặc >25%, phân táo.
- Mềm, nát hoặc thành nước: chất đặc <12%, phân lỏng
2.3. Xét nghiệm phân về mùi
Phân thường có mùi thối. Khi trong khẩu phần ăn chứa nhiều thịt hoặc khi tiêu hóa thiếu mật, phân thối nhiều hơn.
Phân của trẻ sơ sinh thường chua. Trong một vài trường hợp như bất dung nạp lactose, hoặc có thể thấy mùi các chất ceton (đái tháo đường…).
Tiếp đó, phân sẽ được tiến hành phân tích theo yêu cầu của bác sĩ. Các kỹ thuật xét nghiệm trên mẫu phân phổ biến hiện nay như soi tươi với NaCl và lugol, nhuộm soi gram, nuôi cấy phân tìm vi khuẩn, kỹ thuật tìm trứng giun tập trung,…
Mỗi kỹ thuật đều có những ý nghĩa phát hiện riêng và tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ chỉ định thực hiện. Một xét nghiệm mẫu phân thông thường sẽ cho ra những kết quả sau:
2.4. Xét nghiệm độ chua của phân
Bình thường, pH của phân là 7 – 7,5. Ở trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ, pH của phân là 4,8 – 5,5. pH của phân phụ thuộc vào thức ăn, cường độ hoạt dộng của hai loại vi khuẩn lên men hoặc gây thối, thời gian vận chuyển qua ống tiêu hóa.
- pH thấp có thể do sự hấp thụ carbohydrate hay chất béo kém, bất dung nạp lactose
- pH cao có thể nghĩ đến do việc sử dụng kháng sinh, viêm đại tràng,…
2.5. Chất béo
Bình thường trong phân chứa 2 – 7g chất béo/ 24 giờ
Nếu nồng độ chất béo trong phân cao nguyên nhân có thể là do các bệnh như viêm tụy, bệnh celiac, xơ nang (một bệnh lý di truyền nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể, nhất là trên hệ tiêu hóa và hệ hô hấp), hoặc các rối loạn khác có ảnh hưởng đến sự hấp thu chất béo.
2.6. Máu, chất nhầy
Phát hiện máu trong phân có thể do chảy máu ở đường tiêu hóa.
Bình thường, phân ít khi có chất nhầy. Chất nhầy được tiết ra nhiều và bám vào phân có khả năng do viêm niêm mạc trực tràng.
2.7. Bạch cầu
Các tế bào bạch cầu trong phân có thể do viêm ruột, chẳng hạn như viêm loét đại tràng, hoặc do vi khuẩn.
2.8. Lượng đường trong phân.
Lượng đường khử cao trong phân có thể là do bạn có một số vấn đề tiêu hoá đường. Lượng đường khử thấp có thể do bệnh celiac, xơ nang, hoặc suy dinh dưỡng.
2.9. Tìm thấy virus, ký sinh trùng trong phân
Rotavirus là một tác nhân phổ biến gây bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Nếu trẻ đang bị tiêu chảy, xét nghiệm có thể được tiến hành để tìm ra virus trong phân.
Kí sinh trùng: thường gặp là amip và giun sán
Tiến hành xem mẫu phân dưới kính hiển vi để tìm kí sinh trùng hoặc trứng, chứng tỏ sự tồn tại của chúng trong ruột. Từ đó, có biện pháp điều trị phù hợp.
2.10. Cấy phân
Xét nghiệm này kiểm tra những vi sinh vật bình thường vốn không có mặt trong phân hoặc những vi sinh vật có mặt trong phân với số lượng quá lớn. Nuôi cấy sẽ xác định được đích danh loại vi sinh vật xuất hiện. Từ đó xem liệu chúng có phải là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy hay không.
2.11. Chất độc của Clostridium Difficile trong phân
Clostridium Difficile là một vi khuẩn gây tiêu chảy mạn. Vi khuẩn này cùng với những vi khuẩn khác có thể xuất hiện bình thường trong ruột nhưng bắt đầu tăng số lượng sau điều trị với kháng sinh. Sự tăng sinh quá mức này gây nên tiêu chảy. Việc phát hiện chất độc này có trong phân giúp bác sỹ đưa ra hướng điều trị hiệu quả.
3. Những việc cần chuẩn bị trước khi thực hiện xét nghiệm phân
Để có được các kết quả xét nghiệm chính xác nhất thì trước đó, mẹ cần chuẩn bị thật chu đáo
Ngừng sử dụng thuốc
Mẹ cho bé ngừng dùng các loại thuốc như thuốc kháng acid, thuốc trị tiêu chảy, thuốc cản quang, bismuth, thuốc trị giun sán, thuốc kháng sinh, thuốc sắt, vitamin C, thuốc nhuận tràng hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong 1 đến 2 tuần trước khi làm xét nghiệm. Mẹ có thể tham vấn trước ý kiến của bác sỹ về việc dừng loại thuốc nào là cần thiết để phục vụ cho xét nghiệm. Đồng thời, mẹ nên vệ sinh sạch sẽ hậu môn của bé trước.
Lưu ý khi lấy phân cho trẻ tại nhà
- Không lấy phân trong bỉm hoặc phân lẫn nước tiểu và nên cho bé đi vệ sinh vào bô sạch, sau đó lấy phân.
- Mẹ có thể dùng que lấy phân (đảm bảo là que sạch, vô khuẩn). Trong quá trình lấy phân, nên lấy ở chỗ nghi ngờ nhất (nhầy nhớt, phân lỏng, có bọt, máu)
- Mẹ nên lấy 10- 15g phân, sau đó cho vào lọ sạch và nhanh chóng đậy kín lại.
- Nếu cần tìm giun kim hoặc trứng giun thì có thể dùng tăm bông cho vào hậu môn của bé ngoáy và sau đó phết lên kính.
- Nếu cần tìm máu trong phân, mẹ không cho trẻ uống sắt, đồng thời kiêng thịt nạc khoảng 48 giờ trước khi lấy phân.
Bảo quản phân
Trong những dung dịch định hình ( không nên bảo quản trong nhiệt độ quá lạnh). Nên gửi mẫu phân đến phòng xét nghiệm tốt nhất trong vòng 1 giờ sau lấy mẫu.
4. Một số cơ sở y tế Nhi khoa uy tín có thể thực hiện xét nghiệm phân cho trẻ
Sau khi có các bước chuẩn bị kỹ càng, chu đáo thì việc lựa chọn một cơ sở uy tín để thực hiện xét nghiệm phân cho bé là điều mẹ đang quan tâm. Một vài gợi ý dưới đây hi vọng có thể giúp mẹ:
- Bệnh viện Nhi Trung ương là một bệnh viện công có trụ sở tại 18/879 đường La Thành, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
- Bệnh viện Nhi đồng 1 có địa chỉ 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, 458 Minh Khai, Khu đô thị Times City, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
- Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, địa chỉ tại số 1 Phương Mai, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.