Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số trẻ dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy năm 2003 lên đến hơn 1,87 triệu trẻ. Do đó, mọi người đặc biệt là các bậc cha mẹ cần hiểu biết những thông tin xung quanh tiêu chảy để xử trí đúng cách khi trẻ gặp phải tình trạng này. Bài viết sau sẽ cung cấp các thông tin cơ bản về tiêu chảy như: khái niệm, dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị, lưu ý khi bổ sung sữa cho trẻ và các thực phẩm trẻ nên, không nên ăn.
Mục lục
- I – Tiêu chảy là gì? Các dấu hiệu điển hình của tiêu chảy?
- II – Phân biệt tiêu chảy cấp và tiêu chảy mạn
- III – Nguyên nhân phổ biến
- IV – Phác đồ điều trị được Bộ y tế khuyến cáo
- V – Tiêu chảy nên ăn gì? Kiêng gì?
- VI – Lưu ý bổ sung sữa khi bé bị tiêu chảy
- VII – Tại sao trẻ tiêu chảy cần sớm được bổ sung lợi khuẩn?
- VIII – Các biện pháp phòng tránh
- IX – Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
I – Tiêu chảy là gì? Các dấu hiệu điển hình của tiêu chảy?
Tiêu chảy là tình trạng phân không thành khuôn, nhiều nước và nhiều lần trong một ngày (trên 3 lần/ 24 giờ).
Chú ý: Các trường hợp đi ngoài nhiều lần nhưng phân thành khuôn, không phải tiêu chảy.
Dấu hiệu điển hình:
- Phân lỏng không thành khuôn và nhiều nước.
- Đi ngoài liên tục, nhiều lần trong ngày.
- Có thể kèm theo một số triệu chứng: đau quặn vùng bụng, đầy hơi, phân lẫn máu, khát nước.
II – Phân biệt tiêu chảy cấp và tiêu chảy mạn
III – Nguyên nhân phổ biến
Tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mạn tính thường gây ra bởi các nguyên nhân khác nhau. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ không tìm ra nguyên nhân gây tiêu chảy.
1. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp tính.
Nguyên nhân thường gặp gây nên tiêu chảy cấp là nhiễm trùng, ngộ độc thức ăn và tác dụng không mong muốn của thuốc.
Nhiễm trùng: thường qua đường phân – miệng, tiếp xúc tay với thức ăn hoặc cũng có thể qua đường hô hấp.
- Nhiễm virus: thường gặp nhất là Rotavirus, Adenovirus, Enterovirus,…
- Nhiễm trùng do vi khuẩn: vi khuẩn E.coli, Shigella, Salmonella, Campylobacter, Vibrio cholerae (vi khuẩn tả),…
- Nhiễm ký sinh trùng: Giardia lamblia, Entamoeba histolytica, Cryptosporodium,…
Ngộ độc thực phẩm: thức ăn ôi thiu, nhiễm khuẩn hay chứa các phụ gia độc hại gây nên tiêu chảy khi ăn.
Tác dụng không mong muốn của thuốc: một số thuốc diệt vi khuẩn gây mất cân bằng hệ vi khuẩn hay làm tăng nhu động ruột có thể gây tiêu chảy cấp. Ví dụ: kháng sinh, thuốc kháng acid chứa magie, thuốc điều trị ung thư.
2. Nguyên nhân gây tiêu chảy mạn tính.
Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy mạn bao gồm: nhiễm trùng, dị ứng và không dung nạp thực phẩm, phẫu thuật bụng hay sử dụng thuốc lâu dài.
Nhiễm trùng
Một số bệnh nhiễm trùng từ vi khuẩn và ký sinh trùng gây tiêu chảy không biến mất nhanh chóng mà không cần điều trị. Ngoài ra, sau khi nhiễm trùng, mọi người có thể có vấn đề tiêu hóa carbohydrate như lactose hoặc protein trong thực phẩm như sữa bò, các sản phẩm sữa, hoặc đậu nành. Các vấn đề này có thể kéo dài thời gian tiêu chảy.
Dị ứng và không dung nạp thực phẩm
Dị ứng với các loại thực phẩm như sữa bò, đậu nành, ngũ cốc, trứng và hải sản có thể gây tiêu chảy mãn tính.
Không dung nạp lactose:
Tình trạng phổ biến có thể gây đi ngoài phân lỏng sau khi ăn thực phẩm hoặc uống chất lỏng có chứa sữa hoặc các sản phẩm từ sữa. Không dung nạp fructose: tình trạng có thể gây tiêu chảy sau khi ăn thực phẩm hoặc uống chất lỏng có chứa fructose, một loại đường có trong trái cây, nước ép trái cây và mật ong. Fructose được thêm vào nhiều loại thực phẩm và nước ngọt như một chất làm ngọt được gọi là siro bắp.
Một số đường hóa học như sorbitol, mannitol, và xylitol có thể gây tiêu chảy ở một số người. Kẹo và kẹo cao su không đường thường bao gồm các loại đường này.
Vấn đề về đường tiêu hóa cũng có thể là một nguyên nhân gây tiêu chảy mạn tính:
- Bệnh celiac
- Bệnh Crohn
- Hội chứng ruột kích thích
- Viêm loét đại tràng
Phẫu thuật bụng: có thể gây bội nhiễm hay thay đổi nhu động ruột, từ đó gây nên tiêu chảy mạn tính. Đặc biệt là ở trẻ viêm ruột hoại tử hay trẻ sau phẫu thuật liên quan đến dị tật cấu trúc ống tiêu hóa, nguy cơ nhiễm khuẩn tăng. Nếu không sử dụng kháng sinh đủ liều, đủ thời gian và đúng thuốc trong các trường hợp này, đường tiêu hóa của trẻ dễ bị nhiễm khuẩn. Từ đó làm thay đổi nhu động ruột và trẻ bị nhiễm độc gây nên tiêu chảy mạn tính.
Sử dụng thuốc lâu dài: sử dụng thuốc kéo dài khiến hệ vi sinh vật trong ruột bị mất cân bằng, vi khuẩn có hại lấn át vi khuẩn có lợi và gây tiêu chảy mãn tính.
IV – Phác đồ điều trị được Bộ y tế khuyến cáo
Dựa vào mức độ mất nước để lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp. Cụ thể:
- Trẻ không mất nước: phác đồ A.
- Trẻ có mất nước: phác đồ B.
- Trẻ mất nước nặng: phác đồ C.
1. Đánh giá và phân loại lâm sàng mức độ mất nước (trẻ 2 tháng – 5 tuổi)

2. Các phác đồ điều trị tiêu chảy ở trẻ em do Bộ Y tế khuyến cáo
Phác đồ A: điều trị tiêu chảy tại nhà theo 4 nguyên tắc.
Nguyên tắc 1: Cho trẻ uống nhiều dịch hơn để phòng mất nước. Trẻ dưới 10 tuổi: uống tùy theo trẻ muốn cho đến khi ngừng tiêu chảy. Trẻ lớn > 10 tuổi: uống theo nhu cầu đến khi trẻ hết khát.
Nguyên tắc 2: Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, phòng suy dinh dưỡng. Nguyên tắc 3: Bổ sung kẽm hàng ngày cho trẻ: 10-20mg trong thời gian 10-14 ngày.
Cho trẻ uống càng sớm càng tốt, ngay khi xuất hiện những dấu hiệu điển hình của tiêu chảy, nhằm rút ngắn thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Nguyên tắc 4: Đưa trẻ đến khám cơ sở y tế ngay khi trẻ xuất hiện một trong những triệu chứng sau:
- Đi ngoài phân lỏng liên tục nhiều lần.
- Nôn nhiều lần.
- Rất khát.
- Ăn uống kém, bỏ bú.
- Trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị.
- Sốt cao hơn.
- Phân lẫn máu.
Phác đồ B: điều trị mất nước bằng ORS, bù dịch bằng đường uống tại cơ sở y tế.
4 giờ đầu: số ml ORS = cân nặng (kg) x 75ml.
Sau 4 giờ đầu:
- Đánh giá và phân loại lại tình trạng mất nước của trẻ.
- Lựa chọn phác đồ thích hợp để điều trị.
- Bắt đầu cho trẻ ăn tại phòng khám.
Phác đồ C: điều trị mất nước nặng.
Truyền tĩnh mạch 100ml/kg Ringer lactate (hoặc nước muối sinh lý nếu không có sẵn dung dịch Ringer lactate) ngay khi có thể.
Cho trẻ uống ORS trong khi chuẩn bị truyền.
Truyền thêm 1 lần nữa nếu mạch rất nhỏ, không bắt được.
Đánh giá lại mỗi 1-2 giờ, nếu tình trạng mất nước không cải thiện thì truyền nhanh hơn.
Khi trẻ có thể uống được, cho trẻ uống ORS sau 1-2 giờ.
Sau 3-6 giờ, đánh giá lại và phân loại độ mất nước và lựa chọn lại phác đồ điều trị phù hợp.
Trường hợp không thể truyền Ringer lactate do quá xa bệnh viện hay nguyên nhân khác, bù dịch cho trẻ bằng ống thông dạ dày hay uống ORS: 20ml/kh/ giờ. Chuyển trẻ đến bệnh viện để truyền dịch sớm nhất có thể.
V – Tiêu chảy nên ăn gì? Kiêng gì?
Lý do chủ yếu gây nên tiêu chảy là nhiễm virus, vi khuẩn,… từ đường ăn uống, do đó chế độ ăn uống rất quan trọng trong quá trình điều trị.
Món ăn chính trẻ nên ăn:
Các thực phẩm giàu tinh bột và ít chất xơ: gạo, gạo lứt, khoai tây, cà rốt, bánh mì,…
Các loại thịt: thịt gà, thịt lợn, thịt bò,… đã nấu chín nhừ, mềm để bổ sung protein cho cơ thể. Có thể chế biến nhiều dạng để kích thích trẻ ăn ngon hơn: cháo thịt, súp bò hầm rau củ, thịt hầm,…
Ngoài ra nên tránh rau củ chứa nhiều chất xơ như rau muống, cải bó xôi, khoai lang,… và các đồ ăn có tính hàn, dễ dị ứng: hải sản, thịt bò tái, thịt tươi sống,… để tránh rối loạn chuyển hóa và tăng áp lực lên hệ tiêu hóa đang không ổn định. Món ăn trong bữa phụ trẻ nên ăn:
Hoa quả bổ sung điện giải, vitamin và chứa tanin giúp cầm tiêu chảy: táo, chuối, hồng xiêm, hồng giòn, ổi, sung, việt quất,… Hoa quả có thể bổ sung bằng cách ăn, ép sinh tố hay phối hợp với sữa chua.
Các sản phẩm bổ sung lợi khuẩn: sữa chua, mạch nha,… Ngoài ra còn có sản phẩm probiotics hỗ trợ bổ sung lượng lớn lợi khuẩn sẽ giúp cân bằng hệ vi sinh vật trong ruột nhanh hơn. Từ đó, giúp cơ thể hấp thu thức ăn tốt hơn, hồi phục nhanh chóng hơn. Trà vỏ cam, trà hoa cúc,… chứa tanin giúp giảm thời gian tiêu chảy, giảm co thắt ruột.
➤ Xem thêm: Thực đơn cho bé bị tiêu chảy nhanh chóng hồi phục
VI – Lưu ý bổ sung sữa khi bé bị tiêu chảy
Sữa là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, cần có một số lưu ý trong việc sử dụng sữa:
Nếu nguyên nhân gây tiêu chảy là do cơ thể không dung nạp lactose hay dị ứng đạm bò: có thể nhận biết rõ ràng khi trẻ uống bất cứ loại sữa động vật nào cũng mắc tiêu chảy. Trường hợp này, các bậc phụ huynh nên thay đổi sữa cho trẻ. Không dùng sữa chứa lactose mà sử dụng sữa thực vật như: sữa đậu nành, sữa chua, sữa hạt,… để bổ sung dưỡng chất cho trẻ mà không gây tiêu chảy.
Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng đi ngoài phân lỏng là các nguyên nhân khác thì không cần thay đổi sữa cho trẻ mà cần cho trẻ bú nhiều lần hơn, bổ sung thêm sữa chua, sữa hạt,… trong các bữa ăn phụ của trẻ.
VII – Tại sao trẻ tiêu chảy cần sớm được bổ sung lợi khuẩn?
Khi tiêu chảy, vi khuẩn có hại lấn át vi khuẩn có lợi gây độc với đường ruột của trẻ. Cho nên bổ sung lợi khuẩn là không thể thiếu. Điều đó cần thực hiện sớm nhất để tránh các hậu quả sau tiêu chảy. Vai trò của lợi khuẩn đối với hệ tiêu hóa của trẻ:
Lợi khuẩn giúp cơ thể trẻ tiêu hoá và hấp thu thức ăn, giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục sau tiêu chảy của trẻ.
Đồng thời, lợi khuẩn có tác dụng tiết ra các chất ức chế hoạt động của vi khuẩn có hại, lập lại cân bằng của hệ vi sinh trong cơ thể.
Ngoài ra, lợi khuẩn còn tạo lớp chất nhầy giúp bảo vệ đường tiêu hóa, tránh acid dạ dày và các chất trong thức ăn làm tổn thương đường tiêu hóa.
VIII – Các biện pháp phòng tránh
- Ăn chín uống sôi, không uống nước lã: biện pháp quan trọng nhất để tránh trẻ bị nhiễm khuẩn.
- Tránh cho trẻ ăn các thức ăn còn sống, tái.
- Hình thành thói quen cho trẻ: rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Sử dụng nước sạch, nước lọc và đã đun sôi.
- Ưu tiên bổ sung sữa mẹ trong 2 năm đầu đời.
- Nếu trẻ dùng sữa ngoài cần bổ sung thêm lợi khuẩn để tăng sức miễn dịch cho đường tiêu hóa.
- Cho trẻ đi tiêm chủng phòng Rotavirus.
IX – Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Tiêu chảy có thể dễ dàng điều trị tại nhà, tuy nhiên cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu trẻ không có dấu hiệu hồi phục tốt lên và có 1 trong những biểu hiện sau:
- Trẻ đi ngoài phân lỏng và nhiều lần liên tục trong 3 ngày.
- Trẻ đi ngoài lẫn máu, nôn ói, đau quặn bụng.
- Trẻ sốt cao trên 39 độ và có các dấu hiệu mất nước: chóng mặt, đau đầu, da nhăn nheo, khát nước, đòi bú, khô miệng,…
- Trẻ tiêu chảy lâu ngày không khỏi và có dấu hiệu suy dinh dưỡng, chậm hay ngưng phát triển.
➤ Xem thêm: Khi nào trẻ tiêu chảy kéo dài cần đến cơ sở y tế?
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.