Omega là những axit béo quan trọng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Với một lượng vừa đủ, nó giúp cho các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể diễn ra một cách bình thường và khỏe mạnh. Điều đặc biệt, bổ sung omega cho bé còn có nhiều lợi ích trên tim mạch và trí não. Các mẹ hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
1. Vai trò của omega với sự phát triển của trẻ
Omega là những axit béo không bão hòa – không no (có liên kết đôi trong phân tử) mang đến nhiều lợi ích về mặt sức khỏe (tim mạch, não bộ, tham gia vào các quá trình chuyển hóa của cơ thể,…).
Các axit béo không bão hòa (omega) được chia làm 3 loại:
- Omega 3: phổ biến là EPA (axit eicosapentaenoic), DHA (axit docosahexaenoic), ALA (axit alpha-linolenic).
- Omega 6: phổ biến là axit linoleic, axit gamma linoleic, axit dihomo gamma linoleic.
- Omega 9: phổ biến là axit oleic.
Dưới đây là một số vai trò của omega đối với sự phát triển của trẻ
1.1. Cải thiện sức khỏe tim mạch:
Bổ sung omega 3 cho bé giúp cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách
- Làm giảm nguy cơ loạn nhịp tim.
- DHA, EPA giúp làm giảm sản xuất thromboxan A2 (chất gây co mạch và kết tụ tiểu cầu), giảm kết tụ tiểu cầu nhờ đó mà làm giảm được tình trạng huyết khối.
- Giảm nguy cơ xơ vữa mạch máu thông qua việc điều hòa chất béo trong cơ thể: giảm triglycerid (chất béo trung tính) có trong huyết tương, giảm LDL cholesterol (lipoprotein xấu), tăng HDL cholesterol (lipoprotein tốt), giảm quá trình hoạt hóa plasminogen (giảm sự hình thành yếu tố đông máu).
- Giảm huyết áp tâm thu và tâm trương.
1.2. Hỗ trợ phát triển trí não
DHA chiếm khoảng ¼ lượng chất béo có trong não bộ. Ở não, DHA chuyển hóa thành phosphatidylethanolamine và phosphatidylserine trong khi đó EPA lại được chuyển hóa thành phosphatidylinositol, chúng đều là những thành phần cấu trúc nên màng tế bào não bộ. Bổ sung omega 3 6 9 (đặc biệt là DHA) giúp trí não trẻ phát triển một cách toàn diện:
- Tăng chỉ số IQ (chỉ số thông minh) ở trẻ nhỏ bởi vì DHA có mặt nhiều trong chất xám của não bộ.
- Tăng khả năng tập trung của trẻ.
- Tăng sự nhạy bén của các nơron (tế bào thần kinh), giúp dẫn truyền tín hiệu thần kinh nhanh và chính xác.
1.3. Giúp mắt sáng khỏe
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, DHA có nhiều trong màng tế bào võng mạc của mắt. Việc bổ sung omega cho bé giúp
- Tăng cường thị lực.
- Giảm được tình trạng mắt khô.
1.4. Làm giảm và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm
Viêm là phản ứng sinh lý của cơ thể chống lại các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài (vi khuẩn, vi rút,…) bằng các giải phóng các chất trung gian gây viêm: eicosanoids, cytokine, … khiến cơ thể có các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau. Việc bổ sung omega cho bé (đặc biệt là omega 3) có tác dụng làm giảm và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm, thông qua:
- Làm giảm quá trình chuyển hóa thành prostaglandin E2 (chất gây viêm).
- Làm giảm quá trình chuyển hóa thành leukotriene B4. Đây là chất trung gian gây viêm, gây hóa hướng động, hoạt hóa bạch cầu đa nhân và trung tính; tăng tạo gốc tự do dẫn đến gây tổn thương tế bào.
- Tăng nồng độ prostacyclin (PGI) làm giãn mạch.
- Bên cạnh đó, omega 3 cũng là một chất chống viêm mạnh vì chúng ngăn chặn các cytokin gây viêm như IL1b và IL6.
2. Điều gì sẽ xảy ra khi con thiếu hụt omega?
Với những lợi ích đã được nêu ở trên. Việc bổ sung omega cho bé là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng chú trọng đến nó. Chính vì vậy rất dễ dẫn đến sự thiếu hụt omega trong khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ.
Khi thiếu hụt omega, trẻ sẽ có các biểu hiện như:
- Thiếu tập trung khi học, tăng động,…
- Suy giảm thị lực (dễ mắc các tật về mắt: cận thị, loạn thị, viễn thị,…)
- Rất dễ bị viêm nhiễm.
- Trí não chậm phát triển.
- Dễ mắc bệnh trầm cảm.
- Ngủ không sâu, hay thức giấc.
3. Các nguồn bổ sung omega hiệu quả cho bé
Omega đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta, đặc biệt là trẻ nhỏ. Do đó, các mẹ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hằng ngày một cách hợp lý, cung cấp đầy đủ omega để trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Dưới đây là các nguồn bổ sung omega cho bé mà các mẹ có thể tham khảo.
3.1. Omega 3
- Cá là nguồn cung cấp EPA và DHA tốt nhất. EPA và DHA có nhiều trong cá hồi, cá mòi, cá thu, cá ngừ, gan cá tuyết, …
- ALA có nhiều trong các loại hạt: hạt chia, hạt lanh, hạt óc chó,…
3.2. Omega 6
- Hàm lượng omega 6 chiếm tỉ lệ cao trong các loại dầu thực vật tinh chế: dầu đậu nành, dầu ngô, …
- Ngoài ra, các loại hạt như óc chó, hướng dương, điều, hạnh nhân,…cũng rất giàu omega 6.
3.3. Omega 9
- Omega 9 có nhiều trong các loại dầu: ô liu, đậu phộng, bơ,… hay trong các loại hạt: óc chó, hạt điều, hạnh nhân,…
- Điều đặc biệt, omega 9 là loại omega duy nhất mà cơ thể có thể tự tổng hợp được.
4. Thế nào là bổ sung omega cho bé đúng và đủ
4.1. Lưu ý bổ sung omega cho bé đúng và đủ
Hiện nay, các khuyến nghị về việc bổ sung omega từ các loại thực phẩm hằng ngày cho trẻ chưa thực sự rõ ràng.
- Theo khuyến nghị của FDA (cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ), việc bổ sung DHA và EPA hằng ngày không được vượt quá 3000mg.
- Mặt khác, EFSA (cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu) khuyến nghị về liều lượng bổ sung DHA và EPA hằng ngày không được vượt quá 5000mg.
Chính vì vậy, các mẹ cần thận trọng khi bổ sung cho trẻ, tránh trường hợp bổ sung thừa hoặc thiếu.
- Khi bổ sung omega cho trẻ từ các sản phẩm trên thị trường, các mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
- Tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ về việc bổ sung omega cho trẻ.
- Vì omega 3 và omega 6 cạnh tranh enzym với nhau để chuyển đổi thành các chất có hoạt tính sinh học mang lại lợi ích cho cơ thể, do đó khi các mẹ muốn chú trọng bổ sung mỗi omega 3 cho trẻ thì nên cân nhắc giảm lượng dầu thực vật chứa nhiều omega 6 trong khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ.
- Omega 9 là loại axit béo không bão hòa mà cơ thể có thể tự tổng hợp được. Do đó việc bổ sung thêm omega 9 cho bé từ các thực phẩm bên ngoài được coi là không cần thiết.
4.2. Liều lượng khuyến nghị omega cho bé
Dưới đây là liều lượng omega hằng ngày cho trẻ mà các mẹ có thể tham khảo.
- Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Việc bổ sung kết hợp giữa DHA và EPA mỗi ngày từ 120-1300mg mang đến nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ.
- ALA là axit béo duy nhất có hướng dẫn về liều lượng cụ thể hằng ngày:
- Trẻ 0-12 tháng: 500mg/ ngày
- Trẻ từ 1-3 tuổi: 700mg/ ngày
- Trẻ từ 4-8 tuổi: 900mg/ ngày
5. Tác hại của việc bổ sung thừa omega cho bé
Bổ sung thừa omega (quá 5000mg mỗi ngày) sẽ mang đến nhiều tác hại đối với cơ thể, bởi vì:
- Các thực phẩm bổ sung omega (dầu cá) chứa lượng lớn vitamin A và D. Lượng vitamin A và D quá nhiều sẽ khiến trẻ đau đầu, mệt mỏi, môi khô, chán ăn, chậm lớn, vàng da,…
- Trong các thực phẩm bổ sung, ngoài các loại omega thì còn có các cholesterol xấu, việc cung cấp thừa sẽ làm tăng nguy cơ gây xơ vữa động mạch.
- Quá nhiều axit béo không bão hòa cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến béo phì ở trẻ nhỏ.
- Đặc biệt, khi dùng liều cao omega 3 sẽ gây ức chế sự kết tập tiểu cầu, làm tăng thời gian chảy máu.
Tổng kết
Mỗi loại omega đều quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Vì thế các mẹ cần bổ sung cho trẻ một cách phù hợp để ngăn ngừa các bệnh tật, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Các mẹ cũng cần lưu ý về việc bổ sung omega cho bé đúng và đủ để tránh tình trạng thừa hoặc thiếu omega, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm bổ sung omega 3 6 9 hay bổ sung DHA cho trẻ. Chính vì vậy, các mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn sản phẩm phù hợp cho con mình cũng như liều lượng sử dụng sao cho hợp lý, đặc biệt là việc bổ sung dầu cá cho trẻ.
» Xem thêm: 5+ Giải pháp nâng cao đề kháng cho trẻ hay ốm vặt
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Nguồn tham khảo