“Trẻ mấy tháng mọc răng? Dấu hiệu trẻ mọc răng? Cần chăm sóc như thế nào khi bé mọc răng? Trẻ em mấy tháng mọc răng được coi là chậm?” Đây là những câu hỏi thường gặp với cha mẹ đang có con trong giai đoạn đầu đời. Thông thường, trẻ bắt đầu mọc răng vào 6 tháng tuổi, đến khoảng 3 tuổi, bé mọc đủ 20 chiếc răng sữa. Giai đoạn mọc răng là thời điểm bé có nhiều thay đổi. Khi đó, mẹ cần có các biện pháp phù hợp để giúp bé vượt qua giai đoạn đầy thử thách này. Để biết chi tiết hơn, mời các mẹ cùng tìm hiểu bài viết sau đây.
Mục lục
- 1. Trẻ mấy tháng mọc răng? Và những yếu tố ảnh hưởng mọc răng ở trẻ
- 2. Các mốc mọc răng của trẻ – trẻ mấy tháng mọc răng:
- 3. Thứ tự trẻ mọc răng như thế nào?
- 4. Trẻ mấy tháng mọc răng và mẹ cần lưu ý gì?
- 5. Cách chăm sóc và vệ sinh răng miệng khi trẻ mọc răng:
- 6. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong quá trình mọc răng:
- 7. Cách giảm đau, giảm khó chịu khi trẻ mọc răng:
- 8. Tại sao trẻ chậm mọc răng:
- 9. Phải làm gì khi trẻ mọc răng chậm
- TÓM LẠI:
1. Trẻ mấy tháng mọc răng? Và những yếu tố ảnh hưởng mọc răng ở trẻ
1.1. Di truyền
Mỗi trẻ có sự phát triển khác nhau, và vì vậy, có những bé mọc răng sớm, cũng có những bé mọc răng muộn hơn so với bình thường. Trong đó, yếu tố di truyền có ảnh hưởng lớn tới quá trình mọc răng của trẻ. Nếu bố mẹ của trẻ từng mọc răng sớm/muộn thì rất có thể bé sẽ thừa hưởng đặc điểm này.
1.2. Chế độ dinh dưỡng
Đây là yếu tố rất quan trọng với sự phát triển toàn diện của trẻ nói chung và sự phát triển răng miệng nói riêng. Một chế độ ăn hợp lý với đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ cung cấp cho bé các dưỡng chất cần thiết để lớn khôn. Trong suốt quá trình phát triển, bé cần được bổ sung vitamin D, Canxi, phosphor, vitamin K2… để có hệ xương và răng chắc khỏe. Cụ thể:
a. Vitamin D
Vitamin D là chất dinh dưỡng cần thiết cho sự hấp thu Canxi và Phospho – các yếu tố hình thành xương, răng. Vitamin D kiểm soát lượng canxi trong máu, ruột và xương. Cung cấp đầy đủ vitamin D cho cơ thể sẽ giúp canxi và phospho được gắn chắc trong các mô xương và điều hòa cân bằng nội môi của canxi và phospho trong cơ thể con người. Do đó, thiếu vitamin D có thể dẫn đến men răng yếu hơn. Một số báo cáo gần đây cho thấy mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và vitamin D, những người có mức vitamin D thấp có tỷ lệ mất răng nhiều hơn những người có mức vitamin D cao.
b. Canxi
Canxi là yếu tố chính hình thành nên xương và răng của trẻ, chiếm đến 90%. Không những thế, canxi còn là khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của mầm răng và cho sự phát triểm cốt hóa các sụn đầu xương dài. Do đó, xương, răng có được dẻo dai, khỏe mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào canxi. Trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng tuổi cần khoảng 300mg canxi mỗi ngày, trẻ từ 7-12 tháng tuổi cần 400mg canxi mỗi ngày.
c. Phospho: cũng ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển xương và răng. Theo tiêu chuẩn của WHO/FAO thì tỷ lệ Ca/P tốt cho trẻ là từ 1.2 – 2. Nếu một trong hai yếu tố tăng, ví dụ hàm lượng phospho đưa vào tăng sẽ làm cho sự hấp thu canxi giảm xuống và sự bài xuất canxi qua nước tiểu tăng lên.
d. Vitamin K2: Vai trò chính của vitamin K2 là đưa canxi vào những bộ phận cần canxi trong cơ thể, như răng, xương và giữ canxi không lắng đọng tại não, tim và những nơi khác của cơ thể. Sự lắng đọng canxi có thể gây nên nhiều hậu quả nguy hiểm, bao gồm cả lão hóa sớm và tử vong sớm.
1.3. Bệnh lý làm trẻ mấy tháng mọc răng
Hội chứng Down, tuyến yên bất thường hay suy giáp ảnh hưởng lớn tới sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Chúng ta thường thấy những dấu hiệu như trẻ chậm biết đi, chậm nói, thừa cân, răng mọc chậm… Với những trường hợp này, trẻ cần được sự tư vấn y tế.
Những tổn thương nướu do vật lý hoặc nhiễm khuẩn, nấm ngứa cũng có thể ảnh hưởng tới quá trình mọc răng của trẻ. Nếu bé quấy khóc, kiểm tra miệng thấy có mùi hôi thì các mẹ nên đưa bé đi khám.
1.4. Thời điểm sinh ảnh hưởng tới tháng mấy trẻ mọc răng
Những trẻ sinh thiếu tháng thường mọc răng muộn hơn những bé sinh đủ tháng.
1.5. Yếu tố thuộc về người mẹ
Khi mới sinh, nguồn cung cấp Canxi cho bé là từ sữa mẹ. Người mẹ có ảnh hưởng lớn tới chất lượng sữa của trẻ. Nếu mẹ được cung cấp đầy đủ Canxi và các chất cần thiết khác thì bé sẽ được hấp thu đầy đủ Canxi cho sự phát triển xương và răng.
2. Các mốc mọc răng của trẻ – trẻ mấy tháng mọc răng:
Trẻ mấy tháng mọc răng? là câu hỏi phổ biến của những bố mẹ trẻ. Các bé có sự phát triển khác nhau, có trẻ mọc răng sớm, cũng có những bé mọc răng muộn hơn bình thường. Thông thường, trẻ đến khoảng 6 tháng tuổi sẽ mọc chiếc răng đầu tiên. Sau đây là những mốc mọc răng ở trẻ:
- Khoảng 6 tháng tuổi: bé mọc chiếc răng đầu tiên.
- Khoảng 12 tháng tuổi: bé mọc đủ 4 chiếc răng cửa giữa ở hàm trên và hàm dưới.
- Khoảng 16 tháng tuổi: bé có 4 chiếc răng cửa bên.
- Khoảng 18 tháng tuổi: bé có đủ 4 chiếc răng hàm đầu tiên.
- Khoảng 23 tháng: 4 chiếc răng nanh mọc lên.
- Khoảng 33 tháng tuổi: 4 chiếc răng hàm thứ hai (tính từ trong cùng) xuất hiện.
3. Thứ tự trẻ mọc răng như thế nào?
Bên cạnh chuyện trẻ mấy tháng mọc răng, thì thứ tự mọc răng như thế nào cũng được các cha mẹ quan tâm. Thông thường, răng sữa mọc ở trung tâm trước và di chuyển ra ngoài theo kiểu sau:
- Răng cửa trung tâm (hai chiếc ở giữa miệng; thường là cặp dưới cùng trước, sau là cặp trên).
- Tiếp sau đó là răng cửa bên (giữa răng cửa trung tâm và răng nanh).
- Rồi đến những chiếc răng hàm đầu tiên.
- Răng nanh (bên cạnh răng hàm thứ nhất).
- Sau cùng là răng hàm thứ hai.
Sau đây là thời điểm mọc răng/rụng răng cụ thể của bé:
4. Trẻ mấy tháng mọc răng và mẹ cần lưu ý gì?
Các bé trong giai đoạn mọc răng thường có những biểu hiện khác nhau, có những bé thời điểm này là cơn “ác mộng” với bậc cha mẹ, bởi bé trở nên cáu kỉnh, lười ăn hơn. Tuy nhiên, với một số trẻ, giai đoạn này trôi qua một cách dễ dàng, mọi sinh hoạt của bé vẫn diễn ra bình thường hoặc có sự thay đổi rất nhỏ. Nhìn chung, các bé thường có những biểu hiện sau khi đến giai đoạn mọc răng:
4.1. Sốt mọc răng
Nhiệt độ của bé tăng nhẹ, khoảng dưới 38,5oC. Sốt mọc răng thường chỉ kéo dài khoảng 1 – 2 ngày rồi khỏi.
4.2. Bé chảy nhiều nước dãi
Quá trình mọc răng kích thích bé tiết nhiều nước dãi hơn, tình trạng này kéo dài đến khi răng bé mọc lên. Khi thấy tình trạng này, hãy buộc yếm cho bé để nước dãi không chảy ra quần áo của trẻ. Đồng thời, các mẹ cần thường xuyên lau miệng và cằm cho bé để hạn chế việc da bị nứt nẻ, phát ban khi tiếp xúc với nước dãi.
4.3. Nướu sưng đỏ
Răng của trẻ cần đâm qua bề mặt nướu để trồi lên trên, điều này giải thích tại sao khi mọc răng, nướu của bé thường sưng đau, gây khó chịu cho trẻ.
4.4. Trẻ trở nên quấy khóc, chán ăn
Tình trạng nướu sưng đau khiến trẻ đau đớn, và vì vậy làm cho bé quấy khóc, có khi làm bé lười ăn hơn, nhất là khi bé đã bắt đầu ăn dặm.
4.5. Bé thích nhai, gặm những đồ vật cứng
Trẻ thích nhai, gặm và hay cắn do ngứa vùng nướu quanh răng. Trẻ có xu hướng thích gặm những đồ cứng hơn để “gãi ngứa”. Vì vậy, con rất thích dứt vú mẹ mỗi khi mẹ cho bú.
5. Cách chăm sóc và vệ sinh răng miệng khi trẻ mọc răng:
Biết được trẻ mấy tháng mọc răng và mọc như thế nào rồi. Điều tiếp theo cha mẹ cần chú ý về chăm sóc và vệ sinh răng miệng khi trẻ mọc răng.
5.1. Rèn thói quen chăm sóc và vệ sinh răng miệng
Việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng cho trẻ là điều vô cùng quan trọng. Mẹ cần rèn luyện thói quen này sớm nhất có thể. Để chuẩn bị cho quá trình mọc răng thuận lợi, ngay khi còn vài tháng tuổi (thường là 3 tháng tuổi), mẹ hãy vệ sinh nướu cho bé hàng ngày. Bạn có thể nhẹ nhàng lau nướu cho bé bằng khăn hoặc gạc ẩm và sạch hai lần một ngày. Điều này giúp bé sẵn sàng cho việc đánh răng khi chiếc răng đầu tiên xuất hiện.
5.2. Làm sạch răng cho trẻ khi mẹ biết trẻ mấy tháng mọc răng
Ngay khi chiếc răng đầu tiên nhú lên, hãy làm sạch răng bằng bàn chải đánh răng mềm dành cho trẻ em dưới hai tuổi. Nếu bé không thích bàn chải đánh răng trong miệng, bạn có thể tiếp tục sử dụng miếng gạc ẩm để lau mặt trước và mặt sau của mỗi chiếc răng. Cách tiến hành như sau:
- Bế trẻ trên tay, đặt trẻ nằm trong vòng tay của bạn.
- Đặt cằm trẻ trong tay bạn, đầu trẻ tựa vào thân bạn.
- Nhấc môi bé lên để làm sạch răng theo chuyển động tròn, mềm.
- Hãy chắc chắn rằng bạn chải kỹ mặt trước và mặt sau của mỗi chiếc răng và cả đường viền nướu.
5.3. Biết trẻ mấy tháng mọc răng giúp mẹ ngăn ngừa sâu răng sớm cho trẻ
-
Ưu tiên sử dụng kem đánh răng có chứa fluor cho bé:
- Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyến nghị bé nên sử dụng kem đánh răng có chứa fluor khi mọc chiếc răng đầu tiên. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên cho bé dùng một lượng nhỏ (bằng hạt gạo – 500 ppm fluor) đến khi con bạn được ba tuổi.
- Từ 3 tuổi trở đi, hãy cho bé dùng kem đánh răng với lượng nhiều hơn, có kích thước bằng hạt đậu (từ 500 – 1000 ppm) để đánh răng.
- Quá nhiều hoặc quá ít florua có thể không tốt cho răng của trẻ. Quá nhiều chất này có thể gây ra một tình trạng gọi là nhiễm độc fluor, một chứng rối loạn phổ biến đặc trưng bởi sự ăn mòn của men răng.
- Thiếu florua dẫn đến sâu răng, một tình trạng răng bị phân hủy theo thời gian do vi khuẩn sản xuất axit và carbohydrate lên men cùng với nước bọt. Nó phát triển ở thân răng và chân răng, ảnh hưởng đến răng đầu tiên của trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.
-
Rèn luyện thói quen đánh răng 2 lần/ngày cho bé.
-
Chế độ ăn uống và cách bạn cho trẻ ăn cũng rất quan trọng với sức khỏe răng miệng của bé:
- Tránh cho bé ăn những đồ ăn chứa nhiều đường như kẹo, bánh ngọt, nước ngọt,…
- Không nên đặt trẻ ngủ khi vẫn bú bình: Khi con bạn đang ngủ, sẽ có ít nước bọt trong miệng hơn để bảo vệ răng. Nếu con bạn ngủ gật khi bú bình, sữa có thể làm mòn men răng của trẻ, khiến bé có nguy cơ bị sâu răng. Cũng lưu ý rằng để trẻ ngủ bằng bình sữa có nguy cơ bị sặc.
6. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong quá trình mọc răng:
Biết được trẻ tháng mấy mọc răng thì cha mẹ cũng cần chú ý chế độ ăn cho trẻ trong thời gian đó. Cụ thể:
6.1. Cho bé bú mẹ hoặc sữa công thức nhiều hơn:
Để giúp bé khỏe mạnh, giảm cơn sốt nhanh chóng, mẹ cần cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức nhiều hơn, đặc biệt là sữa mẹ. Bởi trong sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé, làm giảm nhanh chóng tình trạng sưng đau nướu của bé. Ngoài ra, sữa mẹ hoặc sữa công thức cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin D, canxi, phosphor… rất cần thiết cho sự phát triển răng của trẻ.
6.2. Cho bé ăn thức ăn mềm hơn nếu bé đau khi nhai:
Bé thường mọc những chiếc răng đầu tiên vào khoảng 4 – 7 tháng tuổi, trong giai đoạn này, đa số các bé đã bắt đầu chế độ ăn dặm. Tuy nhiên một số trường hợp, bé trở nên lười ăn hơn khi bé sốt mọc răng, do thức ăn có thể chọc vào vùng nướu đang sưng đau của bé. Lúc này, mẹ nên cho bé ăn những thức ăn mềm hơn mọi ngày như cháo, rau củ hầm, thịt hầm… Do đặc tính mềm, loãng nên cháo rất dễ ăn, là lựa chọn rất tốt để bổ sung chất dinh dưỡng đối với trẻ sốt mọc răng. Mẹ có thể tham khảo một số loại cháo có khả năng vừa bổ sung dưỡng chất vừa có tác dụng hạ sốt cho trẻ như: Cháo gà hạt sen, cháo thịt hầm rau củ, cháo cá rau ngót…
Nếu bé vẫn không muốn ăn thì mẹ có thể cho bé uống thêm sữa để bé không bị thiếu chất. Vào thời điểm mọc răng, bé có thể sụt cân nhẹ, các mẹ không nên quá lo lắng bởi thời gian này sẽ qua đi nhanh chóng. Khi chiếc răng của bé đã mọc lên bình thường, mẹ có thể đưa bé về chế độ ăn bình thường, điều độ và đầy đủ chất dinh dưỡng, khi đó bé sẽ tăng cân trở lại.
6.3. Trẻ mấy tháng mọc răng và bổ sung vitamin D cho trẻ
Vitamin D có vai trò thiết yếu trong quá trình chuyển hóa và hấp thụ canxi giúp hình thành cấu trúc răng, xương từ đó giúp trẻ mọc răng nhanh và khỏe mạnh hơn. Một số thực phẩm giàu vitamin D nên được bổ sung cho trẻ như: Cá hồi, tôm, nấm, đậu nành,…
6.4. Thức ăn chứa Canxi được ưu tiên sử dụng cho trẻ sốt mọc răng:
Canxi là dưỡng chất có tác động trực tiếp và vai trò chính đối việc việc hình thành xương, răng của cơ thể. Bé được bổ sung canxi không những thúc đẩy thời gian mọc răng mà còn cải thiện vững chắc mật độ xương, giúp bé cao và mau lớn. Một số món ăn cho bé sốt mọc răng rất giàu canxi như: Phô mai, cá mòi, các loại đậu, rau dền, thực phẩm bổ sung canxi…
6.5. Thực phẩm cần tránh khi biết trẻ mấy tháng mọc răng
Không cho trẻ uống nước ngọt có ga vì chúng ảnh hưởng xấu đến răng và sức khỏe của trẻ. Nước trái cây cũng không được khuyến khích dùng cho trẻ sơ sinh dưới 12 tháng vì nó thường chứa nhiều đường, tăng nguy cơ sâu răng, tiêu chảy và bệnh béo phì ở trẻ.
7. Cách giảm đau, giảm khó chịu khi trẻ mọc răng:
7.1. Tìm đồ nhai cho trẻ nếu biết trẻ mấy tháng mọc răng
Bạn nên cho con bạn thứ gì đó để nhai, chẳng hạn như vòng mọc răng bằng cao su cứng hoặc một chiếc khăn đã làm mát trong tủ lạnh. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo không sử dụng vòng cổ khi mọc răng vì chúng có nguy cơ gây nghẹt thở.
7.2. Xoa nhẹ vùng nướu cho trẻ
Bạn cũng có thể dùng ngón tay sạch xoa nhẹ nhàng lên vùng nướu bị đau của bé để giảm bớt cơn đau tạm thời.
7.3. Cho trẻ ăn thức ăn mát
Cho trẻ ăn thức ăn mát nếu trẻ đã đủ lớn để ăn thức ăn đặc. Ví dụ, bé có thể cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi ăn sữa chua hoặc nước sốt táo ướp lạnh.
7.4. Cho trẻ uống thuốc giảm đau
Thời điểm mọc răng khiến nướu của trẻ sưng đau, rất khó chịu. Để giảm đau cho bé, bạn có thể sử dụng acetaminophen hoặc ibuprofen khi bé sốt mọc răng. Cả hai loại thuốc này đều có thể sử dụng cho trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn. Ibuprofen chỉ nên sử dụng cho những trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Trong khi acetaminophen có thể được sử dụng ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên bạn nên hỏi ý kiến của bác sỹ nhi khoa trước khi sử dụng nếu con bạn dưới 2 tuổi.
Các loại thuốc giảm đau không kê đơn và các sản phẩm mọc răng sau đây được coi là không an toàn cho bé:
- Aspirin: Không cho trẻ dùng aspirin (hoặc thậm chí xoa lên nướu) để giảm đau khi mọc răng vì nó có thể dẫn đến hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng.
- Thuốc viên và gel mọc răng vi lượng đồng căn: FDA khuyên cha mẹ không nên sử dụng các sản phẩm này vì đã báo cáo về các cơn co giật, các vấn đề về hô hấp và các tác dụng phụ khác ở trẻ sơ sinh và trẻ em.
- Benzocain: Không sử dụng gel bôi hoặc thuốc có chứa benzocain. FDA cảnh báo rằng việc sử dụng các sản phẩm dành cho trẻ mọc răng có thể dẫn đến chứng methemoglobin huyết, một tình trạng hiếm gặp và đe dọa tính mạng, trong đó lượng oxy trong máu xuống thấp một cách nguy hiểm.
8. Tại sao trẻ chậm mọc răng:
8.1. Trẻ chậm mọc răng do di truyền:
Một nguyên nhân có thể khiến bé chậm mọc răng là do di truyền. Bạn nên hỏi tiền sử những thành viên trong gia đình. Nếu có người từng mọc răng chậm thì các mẹ cũng không nên quá lo lắng. Nhưng nếu chờ một thời gian mà bé vẫn không có dấu hiệu mọc răng thì các mẹ nên đưa bé đi khám.
8.2. Thời điểm sinh và môi trường sống của bé:
- Trẻ sinh non có xu hướng mọc răng chậm hơn trẻ sinh đủ tháng. Ngoài ra, những bé sinh ra nhỏ bé, thiếu cân cũng có nguy cơ mọc răng chậm hơn những bé bình thường.
- Môi trường sống thiếu ánh sáng mặt trời là nguyên nhân khiến trẻ chậm mọc răng. Điều này được lý giải là do 80% vitamin D được tổng hợp ở da dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Loại vitamin này có vai trò quan trọng trong việc hình thành cấu trúc xương, răng. Môi trường sống thiếu ánh sáng khiến cho vitamin D không được tổng hợp từ tiền chất do thiếu các tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời, do đó làm cản trở đến sự phát triển răng của bé.
8.3. Sinh lý làm trẻ mọc răng không đúng tháng
- Yếu tố giới tính cũng có thể là tác nhân khiến trẻ mọc răng chậm. Thông thường, các bé gái sẽ mọc răng nhanh hơn so với các bé trai.
- Một nguyên nhân khác khiến trẻ mọc răng chậm là do cấu trúc lợi quá cứng. Khi đó, răng của bé không thể xuyên qua lớp lợi để nhú lên được. Điều này khiến răng bé mọc chậm hơn bình thường.
8.4. Bé chậm mọc răng do chế độ ăn không đảm bảo gây thiếu chất:
a. Thiếu vitamin D:
Như đã nêu ở trên, vitamin D có vai trò cần thiết cho sự hấp thu canxi để xây dựng khung xương và răng. Do đó, thiếu vitamin D có thể là nguyên nhân khiến bé chậm mọc răng.
Thiếu vitamin D có thể do bé không được bú mẹ trong 6 tháng đầu, chế độ ăn không đảm bảo… Sữa mẹ và thực phẩm có thể cung cấp khoảng 20% lượng vitamin D cho cơ thể. Nếu bé không được bú mẹ và không được cung cấp đầy đủ thức ăn giàu vitamin D như: thịt, cá, trứng…trong sự phát triển đầu đời thì khả năng bé chậm mọc răng là rất cao.
Ngoài chậm mọc răng, một số dấu hiệu khác để các mẹ nhận biết tình trạng thiếu vitamin D của con mình là: trẻ quấy khóc nhiều, hay giật mình, hay ra mồ hôi trộm dù trời không nóng; thóp rộng, bờ thóp mềm, lâu liền thóp; đầu bẹt, xương sọ mềm; còi xương. Các mẹ hãy nhận biết kịp thời để cung cấp đủ vitamin D cho bé.
b. Thiếu Canxi:
Thiếu Canxi khiến mầm răng kém phát triển, không thể nhú ra được, làm cho trẻ mọc răng chậm. Trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ là nguồn cung cấp Canxi chủ yếu cho cơ thể. Do vậy, trẻ dễ gặp tình trạng thiếu Canxi nếu không được bú mẹ hoặc chất lượng sữa không đảm bảo (do mẹ bị thiếu canxi do chế độ ăn nghèo Canxi). Ngoài ra, việc thiếu vitamin D cũng cản trở sự hấp thu Canxi tại ruột.
Dấu hiệu có thể nhận biết trẻ đang thiếu Canxi là: bé thường ra mồ hôi trộm về đêm, dễ bị giật mình khi ngủ, tóc rụng vành khăn…
c. Hấp thu quá nhiều phospho:
Một yếu tố nữa gây thiếu Canxi là hấp thu quá nhiều phospho. Phospho xuất hiện trong tất cả các loại thức ăn, đặc biệt là trong thịt. Do đó, việc dư thừa phospho là điều dễ xảy ra. Điều này sẽ khiến cơ thể bé không được hấp thu đủ Canxi cho sự phát triển răng. Trẻ bị thừa Photpho còn kèm theo các biểu hiện như xơ cứng mạch máu, suy thận và tim phình to,….
d. Thiếu vitamin MK7:
MK7 là một loại vitamin K2, có nhiệm vụ chính là đưa Canxi ở máu vào xương và răng giúp trẻ mọc răng đều, khỏe. Dù được bổ sung đầy đủ vitamin D và Canxi mà thiếu đi vitamin này, trẻ vẫn gặp phải vấn đề này do Canxi không được đưa tới nơi cần thiết để hình thành răng của bé
Bé không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng do chế độ ăn không hợp lý cũng khiến trẻ gặp phải suy dinh dưỡng. Lúc này, thể chất của trẻ kém phát triển, không tạo đủ năng lượng cho sự phát triển của bé, từ đó mà bé mọc răng chậm hơn so với các bé khỏe mạnh.
8.5. Trẻ chậm mọc răng do gặp phải các bệnh lý
Hội chứng Down hay tuyến yên bất thường hay suy giáp ảnh hưởng lớn tới sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Chúng ta thường thấy những dấu hiệu như trẻ chậm biết đi, chậm nói, thừa cân, răng mọc chậm… Với những trường hợp này, trẻ cần được sự tư vấn y tế.
Những tổn thương nướu do vật lý hoặc nhiễm khuẩn, nấm ngứa cũng có thể khiến trẻ chậm mọc răng. Nếu bé quấy khóc, kiểm tra miệng thấy có mùi hôi thì các mẹ nên đưa bé đi khám.
8.6. Ăn dặm muộn khiến trẻ mấy tháng mọc răng
Thời điểm ăn dặm được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo là từ 6 tháng ruổi, sau thời gian này nếu trẻ chỉ chăm chăm uống sữa mà không có động tác nhai thì khó kích thích việc mọc răng. Việc ăn dặm đúng thời điểm dù là bằng thức ăn mềm cũng có tác động lớn trong việc kích thích nướu răng, mầm răng và giúp bé mọc răng. Vì vậy, cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm, đúng phương pháp cũng giúp trẻ sớm mọc răng.
9. Phải làm gì khi trẻ mọc răng chậm
Giải pháp để ứng phó khi bé chậm mọc răng là:
9.1. Cho trẻ tắm nắng khi trẻ mấy tháng mọc răng
Các mẹ nên cho trẻ tắm nắng từ 15 – 20 phút/ ngày, vào thời điểm mà nắng nhẹ dịu (trước 9 giờ sáng). Tắm nắng giúp bé tổng hợp vitamin D, có ích cho sự hấp thu canxi và phospho cần thiết để phát triển xương, răng.
9.2. Thường xuyên xoa bóp chân lợi để kích thích mọc răng
Các mẹ có thể dùng bông hoặc vải gạc thấm nước muối sinh lý hoặc nước sạch đã đun sôi, rồi chà nhẹ lên lợi của bé, có thể thực hiện nhiều lần trong ngày.
9.3. Chế độ ăn cân bằng
Chế độ ăn cân bằng, đầy đủ các nhóm chất: đạm, tinh bột, chất béo, các vitamin, khoáng chất cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
a. Bổ sung vitamin D:
Theo nghiên cứu 80% vitamin D được tổng hợp ở da dưới tác dụng của tia cực tím; 20% vitamin D còn lại có từ sữa mẹ và thức ăn. Do đó, các mẹ nên thường xuyên cho bé tắm nắng, cho trẻ bú ít nhất trong 6 tháng tuổi, đồng thời bổ sung những thực phẩm giàu vitamin D như: thịt, dầu cá, cá mòi, trứng, bơ, nấm, đậu,…
b. Bổ sung Canxi và phospho cho bé:
Nếu bé chậm mọc răng do thiếu canxi, mẹ có thể tăng thêm các thực phẩm giàu canxi như trứng, sữa, phô mai, tôm cua, súp lơ, cải bó xôi… vào thực đơn hàng ngày của cả mẹ và bé. Ngoài ra, cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sỹ khi muốn bổ sung canxi cho bé bằng thuốc. Trẻ sơ sinh nhận canxi chủ yếu qua sữa mẹ nên trong 6 tháng đầu, khuyến khích các mẹ cho bé bú hoàn toàn để bé có cơ thể khỏe mạnh, cứng cáp, sức đề kháng tốt.
Bên cạnh chế độ ăn giàu canxi thì mẹ sau sinh có thể uống thêm canxi để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu 1000-1200mg canxi mỗi ngày, vừa giúp mẹ nhanh hồi phục sức khỏe sau sinh, hạn chế đau nhức mỏi do thiếu canxi, vừa đảm bảo lượng canxi có trong sữa mẹ cho bé bú.
c. Bổ sung vitamin K2:
Vitamin K2 có ở các loại rau xanh như cải xoăn, súp lơ, cải thìa…; đậu nành lên men (như natto) – nguồn thực phẩm chứa dồi dào vitamin K2; gan gà, trứng gà…
d. Sử dụng thêm dầu oliu, dầu vừng,…
Khi chế biến các món ăn cho bé bởi các loại dầu này giúp tăng khả năng hấp thu của những vitamin tan trong dầu như A, D, E, K… Mẹ có thể trộn dầu oliu vào cháo hay bột của bé.
9.4. Áp dụng chế độ ăn dặm cho bé từ 6 tháng tuổi
Cho bé theo nguyên tắc từ “ít – nhiều”, “loãng – đặc” để kích thích hoạt động nhai của bé. Mẹ bắt đầu cho bé ăn bột để bé quen dần, sau đó là cháo, cơm nát, rồi đặc hơn là cơm. Các mẹ cũng nên cho bé tự gặm rau, củ quả mềm với nhiều màu sắc để bé thích thú, làm quen với việc nhai hơn.
- Khi bé bị nhiễm khuẩn khoang miệng, các mẹ không nên tự dùng thuốc mà cần sự tham vấn của bác sĩ.
- Nếu quá 18 tháng tuổi mà trẻ chưa mọc răng thì các mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để khám và tiến hành chụp X-quang kiểm tra bé có chân răng hay không.
TÓM LẠI:
Chắc hẳn bài viết trên đã giải đáp những thắc mắc của cha mẹ về việc “Trẻ mấy tháng mọc răng?”. Thời điểm mọc răng là giai đoạn đánh dấu sự phát triển đầu đời của con. Để giúp bé vượt qua giai đoạn đầy thử thách này, mẹ có thể dùng nhiều biện pháp để làm dịu cơn đau cho trẻ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trẻ chậm mọc răng so với bình thường. Các mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân gây nên tình trạng này, từ đó tìm hướng xử trí cho phù hợp. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết trên!
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
» Xem thêm: [MẸO] Áp dụng ngay 12 Giải pháp cho trẻ biếng ăn chậm lớn
Nguồn tham khảo:
Nghiên cứu chuyên sâu về các bệnh ngoài da do vi khuẩn , virus ở cả người lớn và trẻ em. chuyên gia tư vấn các tổn thương da liễu như vết thương, vết loét, các bệnh lý chám, chốc, thuỷ đậy, tay chân miệng, zona, herpes… Với mong muốn giúp đỡ người bệnh phục hồi nhanh nhất mà không cần dùng đến kháng sinh, tôi luôn không ngừng tìm tòi những giải pháp đẩy lùi bệnh tật tự nhiên – hiệu quả – an toàn.