Táo bón thai kỳ đang là vấn đề quan tâm của không ít các bà bầu tại Việt Nam. Tình trạng táo bón thai kỳ kéo dài có thể gây nên các bệnh lý khác như trĩ, chảy máu trực tràng, sưng đau hậu môn,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ mẹ bầu. Các phương pháp điều trị táo bón an toàn cho các bà bầu là rất quan trọng. Bài viết này có thể giúp bạn trả lời những thắc mắc nêu trên.
1. Táo bón thai kỳ là gì?
Táo bón thai kỳ là tình trạng táo bón xảy ra ở phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai. Theo một nghiên cứu của Meyer 1994 cho biết: có 39% phụ nữ mang thai có dấu hiệu táo bón ở tuần thứ 14, 30% ở tuần thứ 28 và 20% ở tuần thứ 36.
Táo bón được xác định theo tiêu chí Rome II: có ít nhất 2 trong số 5 triệu chứng trong ba lần đi tiêu liên tiếp:
- Mót rặn
- Phân bón cục hoặc cứng
- Cảm giác tắc nghẽn hậu môn trực tràng
- Cảm giác phân không thoát được hết
- Đi tiêu ít hơn 3 lần/ tuần.
2. Tại sao bà bầu lại dễ bị táo bón?
Đối tượng bà bầu có nguy cơ cao mắc táo bón là do những nguyên nhân sau đây:
- Có sự gia tăng hấp thu nước tại ruột. Nếu như không bổ sung nước đầy đủ sẽ dễ gây khô phân.
- Thay đổi nội tiết tố: mức progesterone tăng và mức motilin giảm dẫn đến giãn cơ. Điều đó kéo dài thời gian vận chuyển của ruột, làm chậm quá trình đào thải phân ra khỏi cơ thể.
- Thay đổi cấu tạo giải phẫu: tử cung mở rộng có thể làm chậm tốc độ di chuyển của phân.
- Chế độ dinh dưỡng: việc bổ sung thường xuyên các vitamin, sắt, sữa, thực phẩm giàu protein như thịt bò,… có thể làm nhân tố gây táo bón.
- Yếu tố tâm lý: căng thẳng, lo lắng, stress khi mang thai có thể làm giảm nhu động ruột dẫn đến tình trạng táo bón.
- Hoạt động thể chất: hoạt động thể chất thường xuyên giúp duy trì chức năng tiêu hóa. Bà bầu ít vận động thể dục thì nguy cơ bị táo bón thai kỳ sẽ cao hơn các bà bầu chăm hoạt động thể dục.
- Nguyên nhân khác: có tiền sử mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa, nhược giáp hay tiểu đường thai kỳ. Lạm dụng thuốc nhuận tràng với liều cao, mất nước do nôn nghén nhiều ở thời gian đầu thai kỳ,…
3. Các phương pháp trị táo bón cho bà bầu đơn giản tại nhà.
Phương pháp trị táo bón cho bà bầu ưu tiên sử dụng các phương pháp điều trị đơn giản tại nhà. Sau đây là một số phương pháp:
3.1. Bổ sung chất lỏng trị táo bón cho bà bầu
Theo Vasquez 2008: mặc dù chưa có nghiên cứu chứng minh tăng cường bổ sung nước là biện pháp đầu tiên giúp cải thiện tình trạng táo bón thai kỳ. Tuy nhiên, chất lỏng đặc biệt là nước mang nhiều lợi ích đối với bà bầu. Bên cạnh nước lọc, bà bầu có thể bổ sung nước hầm canh, súp rau củ, nước ép trái cây, trà không chứa cafein (trà hoa cúc, trà bồ công anh),…
Trung bình bà bầu cần bổ sung 2,5 – 3 lít nước mỗi ngày. Trường hợp sử dụng viên uống bổ sung sắt hay canxi thì cần uống một lượng nước nhiều hơn khuyến cáo.
3.2. Bổ sung chất xơ trị táo bón cho bà bầu
Dựa trên bằng chứng nghiên cứu của Jewell và Young 2009: bổ sung chất xơ làm tăng tần suất đi vệ sinh, phân mềm hơn. Đặc biệt không có tác dụng phụ xảy ra.
Chất xơ giúp làm tăng trọng lượng phân và giúp phân di chuyển dễ dàng hơn trong đường ruột.
Bà bầu có thể tham khảo các nguồn chất xơ sau: rau xanh (mồng tơi, rau lang,…); ngũ cốc nguyên hạt (mè đen, bột yến mạch,…); trái cây tươi (chuối, cam, lê, táo,…) và các loại đậu.
Lượng chất xơ cần bổ sung cho táo bón thai kỳ là khoảng 28 – 34 gram/ ngày.
Các mẹ tham khảo một số loại thực phẩm sau:
Rau mồng tơi
Rau mồng tơi có các thành phần như vitamin A, B1, PP, các saponin, chất nhầy, acid folic,… chúng không chỉ giúp nhuận tràng mà còn cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết. Bên cạnh đó rau mồng tơi còn chứa hàm lượng acid folic và sắt rất cao. Điều đó giúp em bé tránh khỏi các dị tật và có một trái tim khoẻ mạnh
Rau lang
Cứ trung bình 100g rau lang thì gồm có các chất dinh dưỡng như:
- Vitamin C: 11mg
- Vitamin BB: 900mg
- Nhiều chất khoáng như: 48mg canxi, 2,7mg sắt, 54mg phốt pho,…
Đặc biệt rau lang có chứa chất nhựa tẩy (khoảng 1,9%) giúp cải thiện tình trạng táo bón cho các mẹ bầu rất tốt
3.3. Vận động thường xuyên trị táo bón cho bà bầu
Tập thể dục giúp nhu động ruột hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tập thể dục giúp giải phóng hormone Endorphin. Nó là một hormone giúp giảm căng thẳng, áp lực. Và mang lại sự sảng khoái về tinh thần, có vai trò trong việc giảm tình trạng táo bón.
Một số động tác tập thể dục đơn giản và nhẹ nhàng mà bà bầu có thể thực hiện. Như đi bộ, tập yoga: Baddha konasana, bài tập gập nửa chân Pavanamukrasana,…
Bài tập Yoga Baddha konasana
Đây là bài tập yoga với các tư thế cố định. Các động tác giãn các cơ, giúp mẹ bầu có cơ thể dẻo dai, tăng cường vận động, lưu thông khí huyết rất tốt cho các mẹ bầu. Đặc biệt khi tập yoga, các mẹ bầu giảm căng thảng, giảm tình trạng táo bón hiệu quả.
3.4. Massage vùng bụng
Bà bầu sử dụng lực từ bàn tay và ngón tay để xoa bóp nhẹ nhàng và theo chiều xoắn ốc.
Động tác kéo dài trong khoảng 7 – 10 phút. Sử dụng hằng ngày sẽ giúp khắc phục tình trạng căng tức, khó chịu ở vùng bụng, đồng thời kích thích nhu động ruột, cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa.
3.5. Điều trị dùng thuốc
Trong trường hợp sử dụng các phương pháp điều trị táo bón thai kỳ ở nhà không có hiệu quả, bà bầu cần điều trị bằng thuốc nhuận tràng. Thuốc nhuận tràng thường không được kê đơn nhưng cần tham khảo tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Dưới đây là một vài thuốc nhuận tràng sử dụng được cho phụ nữ có thai
Thuốc tạo khối
Nhóm thuốc này hoạt động như chất xơ thực vật. Nó chứa nhiều phân tử hấp phụ nước giúp tăng khối lượng phân. Đồng thời tạo điều kiện tống thải phân ra ngoài cơ thể. Tuy là loại thuốc an toàn nhưng có thể gây tác dụng không mong muốn. Tác dụng không mong muốn thường gặp là chuột rút, đầy hơi, chướng bụng.
Thuốc đại diện: Citrucel (methylcellulose fiber).
Đường dùng: đường uống
Sử dụng: thuốc sử dụng cho bà bầu và nên tham khảo liều lượng dùng của bác sĩ
Lưu ý: Không nên sử dụng quá 3 tháng, nên sử dụng vào buổi sáng. Sử dụng đúng liều như bác sĩ khuyên dùng
Thuốc làm mềm phân
Nhóm này giúp gia tăng hấp thu nước vào phân do đó làm mềm phân, dễ đào thải phân ra ngoài. Docusate natri không cho tác dụng phụ đối với bà bầu và trẻ em. Tuy nhiên, có báo cáo về trường hợp sử dụng mạn tính thuốc này trong táo bón thai kỳ gây hạ kali máu ở trẻ sơ sinh.
Sử dụng:
- Nhóm thuốc nhuận tràng làm mềm phân thường có hai dạng, dạng đường uống và dạng đặt trực tràng.
- Đối với dạng đặt trực tràng, thuốc sẽ được bơm trực tiếp vào.hậu môn trực tràng, kích thích nhu động ruột, làm mềm phân.
Thuốc nhuận tràng bôi trơn
Thuốc làm giảm sức căng bề mặt của chất lỏng trong ruột. Thuốc giữ nước cho phân, tạo điều kiện cho thoát hơi và đại tiện. Dầu khoáng là một đại diện của nhóm thuốc này. Chúng không cho bằng chứng về bất kỳ tác dụng không mong muốn nào trên thai phụ.
Đại diện là thuốc Folax
Sử dụng:
- 1 đến 2 gói (10 – 20g) mỗi ngày, nên uống 1 lần vào buổi sáng.
- Hoà tan trong nước
- Liều hàng ngày nên được điều chỉnh theo đáp ứng lâm sàng có thể từ 1 gói uống cách ngày đến 2 gói một ngày.
Lưu ý
- Điều trị tối đa 3 tháng
- Kết hợp chế độ ăn lành mạnh: nhiều chất xơ, giảm dầu mỡ
Thuốc nhuận tràng thẩm thấu
Hoạt động theo cơ chế chênh lệch áp lực thẩm thấu ở trong và ngoài lòng ruột. Điển hình giảm hấp thu nước ở thành ruột, tăng hấp thu nước trong lòng ruột. Lactulose và polyethylene glycol hấp thu kém ở đường tiêu hóa và rất ít gây tác dụng không mong muốn. Tuy vậy, sử dụng thuốc này lâu dài sẽ gây nguy cơ mất cân bằng điện giải.
Sử dụng thuốc Lactulose:
- Dùng cho táo bón mạn tính
- Người lớn: 15 – 30 ml, chia 1 – 2 lần/ngày, tăng đến 60 ml/ngày nếu cần
Lưu ý: nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng
Thuốc nhuận tràng kích thích
Bisacodyl tác động lên dây thần kinh ruột làm co cơ ruột, tăng nhu động ruột đẩy phân ra ngoài. Không có báo cáo nào về tác dụng không mong muốn của thuốc này trên phụ nữ có thai. Nhưng theo MIMs thì tránh dùng thuốc này khi mang thai.
Ưu điểm: tác dụng nhanh
Nhược điểm:
- Thuốc có tính tẩy xổ gây mất nước
- Có tác dụng phụ gây đầy hơi
Lưu ý: Mẹ bầu nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng. Nếu sử dụng không được dừng đột ngột.
4. Giải pháp an toàn không dùng thuốc trị táo bón cho bà bầu.
Bên cạnh một chế độ sinh hoạt, vận động, thể dục thể thao thường xuyên và một chế độ dinh dưỡng khoa học: uống nhiều nước, bổ sung nhiều chất xơ, vitamin C,… thì việc sử dụng men vi sinh cũng được xếp là một trong những biện pháp hữu hiệu trong việc cải thiện tình trạng táo bón thai kỳ.
Men vi sinh là một chế phẩm sinh học với tính an toàn cao. Chế phẩm chứa lợi khuẩn tự nhiên, giúp duy trì cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Bên cạnh đó, men vi sinh còn thúc đẩy các tế bào miễn dịch nhanh chóng sản sinh kháng thể, tạo hàng rào bảo vệ cơ thể trước các tác nhân xâm nhập từ môi trường.
Trường hợp bà bầu đang sử dụng kháng sinh thì có thể uống men vi sinh trong khoảng thời gian giữa hai liều kháng sinh, hoặc sau khi uống kháng sinh 1 giờ.
5. Cách phòng táo bón cho bà bầu
Căn cứ vào nguyên nhân gây táo bón, việc phòng tránh táo bón thai kỳ chỉ mang tính chất tương đối. Sự thay đổi nội tiết tố, tâm sinh lý, cấu tạo giải phẫu là khó tác động. Tuy vậy, bà bầu có thể phòng táo bón bằng các biện pháp đơn giản mà hiệu quả sau đây:
- Luyện tập thói quen vận động: đi bộ, tập yoga, thiền,…
- Chế độ ăn dinh dưỡng khoa học: uống đủ nước, bổ sung chất xơ,…
- Sử dụng men vi sinh cùng thời điểm bổ sung các vitamin tổng hợp (do các vitamin này dễ gây táo bón), khi gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa (có tham khảo ý kiến bác sĩ).
Tổng kết
Táo bón thai kỳ khuyến cáo sử dụng ưu tiên các biện pháp không dùng thuốc bao gồm: tập thể dục nhẹ nhàng, thay đổi chế độ ăn nhiều chất xơ, cung cấp đủ lượng chất lỏng cần thiết, sử dụng men vi sinh theo tư vấn của bác sĩ hoặc thầy thuốc. Trong trường hợp không đạt hiệu quả, cần phải điều trị táo bón bằng thuốc, bà bầu hãy tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc bác sĩ để tránh tác dụng không mong muốn xảy ra.
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Tham khảo nguồn: Healthline
Dược sĩ Hải Yến tốt nghiệp ĐH Dược Hà Nội, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhi khoa, dặc biệt lĩnh vực tiêu hóa, dinh dưỡng, da liễu nhi khoa. Hiện tại Dược sĩ Hải Yến đảm nhiệm vị trí tư vấn tại FHI Việt Nam.