Trong hành trình chăm sóc và nuôi nấng trẻ, bất kì những dấu hiệu bất thường nào đều khiến các mẹ phải đau đầu. Nôn trớ ở trẻ sơ sinh cũng không ngoại lệ. Đừng lo lắng, các mẹ hãy cùng đọc bài viết để có thêm những biện pháp cải thiện nôn trớ hiệu quả.
Mục lục
- 1. Nguyên nhân nôn trớ ở trẻ sơ sinh mẹ cần đặc biệt lưu ý
- 2. Hậu quả của việc nôn trớ ở trẻ sơ sinh & trẻ nhỏ
- 3. Phương pháp xử trí tại nhà khi trẻ sơ sinh nôn trớ
- 3.1. Bước 1: Đẩy hết chất nôn ra ngoài, thông thoáng đường thở:
- 3.2. Bước 2: Trấn an tâm lý cho trẻ
- 3.3. Bước 3: Lau rửa, thay quần áo
- 3.4. Bước 4: Dự phòng tái nôn trớ ở trẻ sơ sinh
- 3.5. Bước 5: Bù nước – điện giải cho trẻ kịp thời khi trẻ sơ sinh nôn trớ
- 3.6. Bước 6: Theo dõi tần suất và đặc điểm các lần nôn trớ tiếp theo.
- 4. Nguyên tắc cải thiện nôn trớ ở trẻ sơ sinh
- Nguyên tắc 1: Giảm lượng thức ăn trong 1 bữa và tăng số lượng bữa ăn
- Nguyên tắc 2: Thường xuyên vỗ ợ hơi cho trẻ để hạn chế nôn trớ ở trẻ sơ sinh
- Nguyên tắc 3: Cho trẻ ngồi hoặc nằm cao đầu khi ăn
- Nguyên tắc 4: Không rung lắc trẻ quá nhiều để tránh nôn trớ ở trẻ sơ sinh
- Nguyên tắc 5: Đổi loại sữa phù hợp khi trẻ nôn trớ quá nhiều
- Nguyên tắc 6: Thường xuyên mát xa trẻ giảm nôn trớ ở trẻ sơ sinh
- Nguyên tắc 7: Bổ sung lợi khuẩn giúp bé hấp thụ tốt dinh dưỡng
- 5. Khi nào trẻ nôn trớ cần được đi khám tại các cơ sở y tế
- 6. Phòng tránh nôn trớ ở trẻ sơ sinh lặp lại
1. Nguyên nhân nôn trớ ở trẻ sơ sinh mẹ cần đặc biệt lưu ý
Nôn trớ là hiện tượng sinh lí thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó thường giảm dần khi trẻ trên 1 tuổi. Tuy nhiên, khi nôn trớ tái diễn nhiều lần, liên tục có thể là tình trạng bệnh lý và do 5 nguyên nhân chủ yếu:
1.1. Ngộ độc thức ăn gây nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Nôn xuất hiện vài giờ sau khi ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trẻ nôn liên tục 5-30 phút/lần trong 12 giờ đầu và thường không kéo dài quá 12 giờ. Ngoài ra, trẻ có thể đau bụng, không kèm theo sốt và tiêu chảy.
1.2. Tiêu chảy cấp
Trẻ nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng hoặc nhầy máu, rất dễ gặp tình trạng mất nước.
1.3. Nhiễm khuẩn:
Trẻ bị các bệnh lý như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, ngoài triệu chứng nôn trẻ thường kèm theo sốt, ho, khó thở,..
1.4. Hẹp tắc ống tiêu hóa:
Mỗi bệnh lý cụ thể lại có triệu chứng riêng biệt, ví dụ:
- Tắc ruột: Đây là bệnh lý hiếm gặp và rất nguy hiểm. Triệu chứng điển hình là đau bụng dữ dội. Ngoài ra trẻ còn nôn ra mật xanh vàng, niêm mạc nhợt, vã nhiều mồ hôi…
- Lồng ruột: Gây nôn và các biểu hiện khác như bé thường co chân về phía bụng, phân lỏng, có thể có máu trong phân.
- Hẹp phì đại môn vị: thường gặp ở trẻ từ 3 – 5 tuần tuổi. Trẻ nôn dữ dội nhiều lần, bú rồi nôn rồi lại đói, lặp đi lặp lại.
1.5. Ăn quá no:
Hệ tiêu hóa ở trẻ còn chưa hoàn thiện. Khi cho trẻ ăn quá nhiều, bú quá no hoặc ép ăn quá mức, sữa không được tiêu hóa hết. Từ đó khiến bé đầy bụng và xảy ra nôn trớ.
2. Hậu quả của việc nôn trớ ở trẻ sơ sinh & trẻ nhỏ
Những nguyên nhân trên nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời gây ra nôn trớ ở trẻ kéo dài, trẻ khó chịu và kèm theo đó là nhiều hậu quả như:
2.1. Trẻ quấy khóc nhiều do nôn trớ:
Nôn trớ thường khiến bé mệt mỏi, khó chịu dẫn đến quấy khóc, ngủ không ngon giấc. Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt của cả gia đình.
2.2. Trẻ bị viêm đường hô hấp trên hoặc dưới:
Trong nhiều trường hợp khi trẻ bị nôn trớ, cha mẹ không xử trí đúng cách dẫn đến dịch nôn trớ trào ngược lên đường hô hấp, gây tổn thương các cơ quan.
- Dịch vị dạ dày trào lên thực quản gây viêm niêm mạc thực quản – viêm họng.
- Acid trong dạ dày.có thể đi đến phía sau khoang mũi, gây viêm và dẫn đến nghẹt đường mũi.
- Trẻ có biểu hiện nghẹt thở do 1 số chất trong dạ dày trào lên thực quản, gây tắc nghẽn đường thở khiến trẻ khó thở, tím tái.
Khi trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp thường xuyên do nôn trớ, trào ngược dịch dạ dày thực quản, mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế uy tín thăm khám.
2.3. Nôn trớ ở trẻ sơ sinh khiến rẻ trở nên biếng ăn hơn:
Sau nôn trớ, các cơ dạ dày hoạt động với cường độ mạnh, trẻ thường bị kiệt sức, mệt mỏi khiến trẻ dễ biếng ăn. Vì lo sợ con thiếu hụt dinh dưỡng, mẹ thường ép bé ăn nhiều hơn sau mỗi lần nôn trớ. Lượng thức ăn đưa vào quá nhiều khiến dạ dày bé trở nên quá tải. Không những không hấp thu được chất dinh dưỡng mà còn làm trẻ nôn nhiều hơn, mất sức hơn cùng với đó là tâm lý sợ ăn.
Trẻ có nguy cơ chậm phát triển thể chất và mắc các bệnh về tiêu hoá:
- Nôn trớ làm cản trở hấp thu các chất dinh dưỡng ở trẻ. Từ đó làm giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ ốm vặt và suy dinh dưỡng, chậm tăng cân và chậm phát triển chiều cao hơn các bé khác.
- Nôn trớ nhiều làm chậm quá trình phát triển trí não. Giảm hấp thu dễ khiến trẻ thiếu các dưỡng chất quan trọng cần thiết cho sự phát triển của não bộ như cholin, DHA, lutein, taurine…
- Trẻ nôn trớ nhiều có thể dẫn đến tổn thương dạ dày, gây ra tình trạng viêm dạ dày. Thậm chí, nặng hơn có thể xuất huyết dạ dày.
- Ngoài ra, nôn trớ kéo dài gây đau bụng, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa…ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
3. Phương pháp xử trí tại nhà khi trẻ sơ sinh nôn trớ
Trước những hậu quả khó lường của nôn trớ, khi trẻ không may gặp tình trạng nôn trớ, bất kể là tình trạng sinh lý hay bệnh lý, việc đầu tiên mẹ cần thực hiện các bước như sau:
3.1. Bước 1: Đẩy hết chất nôn ra ngoài, thông thoáng đường thở:
Nghiêng ngay đầu trẻ sang một bên. Nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi trẻ (miệng trước, mũi sau), bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay thấm hết chất nôn trong miệng và họng trẻ.
3.2. Bước 2: Trấn an tâm lý cho trẻ
Khum tay vỗ nhẹ hai bên lưng nhằm trấn an trẻ. Đồng thời giúp trẻ ho bật chất nôn còn lại trong họng ra ngoài.
3.3. Bước 3: Lau rửa, thay quần áo
Lau cổ và người trẻ bằng nước ấm, thay đồ có dính chất nôn ra.
3.4. Bước 4: Dự phòng tái nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Mẹ không nên cho trẻ bú hay ăn ngay sau khi nôn.
3.5. Bước 5: Bù nước – điện giải cho trẻ kịp thời khi trẻ sơ sinh nôn trớ
Khi nôn nhiều, trẻ sẽ mất một lượng nước và chất điện giải khá lớn qua chất nôn. Do đó, mẹ nên có biện pháp bù nước và điện giải cho trẻ hợp lý. Dung dịch Oresol, nước cháo muối hay nước trái cây loãng có thể được sử dụng.
Mẹ cần lưu ý khi dùng Oresol, pha theo đúng tỷ lệ hướng dẫn của nhà sản xuất, cho trẻ uống từng ngụm nhỏ bằng thìa và cho trẻ uống ngay khi mới pha, không pha từ sáng để đến chiều mới cho trẻ uống.
3.6. Bước 6: Theo dõi tần suất và đặc điểm các lần nôn trớ tiếp theo.
Theo dõi những nôn trớ tiếp theo: nôn khan hay nôn ra sữa, màu sắc chất nôn (vàng, xanh hay gợn nâu), thời điểm xuất hiện nôn để có hướng xử trí kịp thời.
4. Nguyên tắc cải thiện nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Nôn trớ gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Vì thế, cha mẹ có thể áp dụng các nguyên tắc dưới đây giúp cải thiện tình trạng này.
Nguyên tắc 1: Giảm lượng thức ăn trong 1 bữa và tăng số lượng bữa ăn
Cơ vòng nằm giữa thực quản và dạ dày. Khi cơ vòng co thắt giúp ngăn ngừa sự trào ngược thức ăn từ dạ dày lên thực quản. Ở trẻ sơ sinh, hoạt động của cơ vòng chưa thực sự hoàn thiện. Thêm vào đó, dạ dày ở trẻ sơ sinh thường nằm ngang hơn so với người lớn và thể tích dạ dày còn khá nhỏ. Do đó, nôn trớ rất dễ xảy ra, đặc biệt nếu trẻ ăn quá no.
Chính vì thế, để giảm bớt nôn trớ, mẹ nên chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày cho trẻ. Cho trẻ bú với lượng vừa phải, tăng số lần bú trong ngày. Việc duy trì như vậy giúp bé tiêu hóa nhanh và dễ dàng hơn. Ngoài ra cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.
Nguyên tắc 2: Thường xuyên vỗ ợ hơi cho trẻ để hạn chế nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Vỗ ợ hơi sau bú sẽ giúp trẻ đẩy được khí trong dạ dày ra ngoài, giảm tình trạng nôn trớ sau bú. Vì thế, bé sẽ cảm thấy dễ chịu, thỏa mái hơn.
Cha mẹ nên vỗ lưng cho bé ợ hơi sau mỗi lần bú hoặc giữa cữ bú, khi cho trẻ bú được một nửa bình sữa hoặc khi sau khi bé đã bú xong một bên vú, trước khi chuyển bé sang bú vú bên kia. Việc vỗ ợ hơi thường xuyên rất hiệu quả trong cải thiện tình trạng nôn trớ ở trẻ.
Cách thực hiện vỗ ợ hơi:
- Mẹ bế bé, để bé nằm song song với cơ thể mẹ. Để đầu dựa vào vai mẹ. Một tay mẹ giữ cổ và đầu bé, một tay tiến hành vỗ ợ hơi.
- Khum bàn tay lại và vỗ nhẹ nhàng vào lưng của trẻ. Vỗ dọc lưng trẻ, theo chiều từ thắt lưng lên đến cổ, đến khi nghe thấy tiếng trẻ ợ hơi hoặc trào một chút cặn sữa ra ngoài.
Nguyên tắc 3: Cho trẻ ngồi hoặc nằm cao đầu khi ăn
Khi cho trẻ bú, mẹ cần bế trẻ sao cho đầu cao hơn và người trẻ nằm thẳng, mặt quay vào vú. Mẹ phải ôm sát bé vào người và dùng tay đỡ mông trẻ. Sau đó, từ từ đưa miệng trẻ vào vú sao cho môi dưới của trẻ ở dưới núm vú.
Mẹ nên cho trẻ bú bên trái trước. Do trẻ mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, đặt bé nằm nghiêng bên phải. Tiếp đó, khi dạ dày bé đã nhiều sữa, chuyển bé nằm nghiêng trái, bú bên phải. Như vậy, sữa sẽ dễ dàng tuần hoàn mà không gây trào ngược dạ dày.
Đối với trẻ bú bình: Mẹ nghiêng bình sữa 45˚cho sữa ngập cổ bình khi bú giúp bé tránh nuốt không khí vào dạ dày gây nôn trớ.
Nguyên tắc 4: Không rung lắc trẻ quá nhiều để tránh nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với bất kì các tác động mạnh nào từ bên ngoài. Rung lắc trẻ mạnh hay nhiều lần có thể khiến hoạt động của hệ tiêu hóa trở nên khó khăn hơn, trẻ dễ bị nôn trớ.
Ngoài ra, việc bồng bế trẻ tung lên cao, đưa võng và đẩy nôi thật mạnh và tiếp diễn nhiều lần có thể trẻ mắc hội chứng rung lắc. Từ đó dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn. Chính vì thế, cha mẹ không được rung lắc trẻ. Thay vào đó luôn dịu dàng, nhẹ nhàng trong cách chăm sóc trẻ hằng ngày.
Nguyên tắc 5: Đổi loại sữa phù hợp khi trẻ nôn trớ quá nhiều
Hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện, cộng thêm thức ăn của bé trong giai đoạn này chủ yếu ở dạng lỏng, bé lại nằm nhiều, thức ăn dễ ứ đọng trong dạ dày dẫn đến bé dễ bị nôn trớ. Đối với trẻ bú sữa công thức, khi áp dụng các nguyên tắc trên mà trẻ vẫn không giảm nôn trớ, mẹ có thể nghĩ đến việc lựa chọn loại sữa khác cho trẻ. Sữa chống nôn trớ là một sự lựa chọn hữu hiệu cho các mẹ. Mộtloại sữa phù hợp cần đảm bảo các yếu tố:
- Đảm bảo đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng và các dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
- Chọn sữa theo cơ chế làm đặc. Trong đó, sữa được làm đặc hơn bằng cách thay một lượng carbohydrate bằng một lượng tinh bột với tỷ lệ nhỏ hơn 2g/100ml. Khi uống sữa vào đến dạ dày sẽ sệt lại. Nhờ vậy làm giảm trào ngược gây ra hiện tượng nôn trớ ở trẻ sơ sinh.
- Mẹ cần lưu ý sữa cho bé nên bổ sung chất xơ tiêu hóa (prebiotic) GOS, FOS và men vi sinh (probiotic) Bifidobacterium BB-12 hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa của trẻ.
- Sữa cung cấp thêm các dưỡng chất DHA, ARA, Lutein hỗ trợ phát triển trí não, Nucleotide giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé.
Một số sữa công thức phổ biến trên thị trường hiện nay, ví dụ như Frisolac Gold Comfort, Optimum Comfort, Similac Sensitive…
Nguyên tắc 6: Thường xuyên mát xa trẻ giảm nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Việc tạo cho trẻ một tâm lý thoải mái khi bú hoặc khi ăn chính là một hình thức giúp trẻ giảm các phản xạ nôn trớ. Khi bú, mẹ không nên chọc cho bé cười đùa. Nhưng trước khi bú, mẹ hoàn toàn có thể mát xa quanh người và quanh bụng cho trẻ.
Mát xa trước bú chính là cách đẩy hết khí hơi còn đang lưu lại trong đường tiêu hóa, giúp tăng thể tích rỗng của dạ dày. Bên cạnh đó, mát xa còn giúp trẻ giảm căng thẳng, tạo cảm giác thèm bú, bú ngon miệng hơn.
Nguyên tắc 7: Bổ sung lợi khuẩn giúp bé hấp thụ tốt dinh dưỡng
Lợi khuẩn là những vi sinh vật có lợi trong đường tiêu hóa. Bổ sung lợi khuẩn là phương pháp an toàn, hiệu quả trong cải thiện tốc độ phân cắt và hấp thụ dưỡng chất. Qua đó, dạ dày và hệ thống tiêu hóa tăng tốc độ hoạt động, dạ dày có thể tích rỗng lớn hơn.
Với trẻ nhỏ thường xuyên nôn trớ, chuyên gia y tế khuyên mẹ sớm bổ sung lợi khuẩn hỗ trợ bé. Chủng lợi khuẩn Bifidobacterium được khuyến cáo là chủng lợi khuẩn an toàn, không tác dụng phụ, chiếm tỷ lệ cao trong đường tiêu hóa của bé.
>>Tham khảo: Sản phẩm lợi khuẩn sống Imiale nhập khẩu từ Đan Mạch (Bổ sung 1 tỷ lợi khuẩn Bifidobacterium BB-12 cho trẻ mỗi ngày)
5. Khi nào trẻ nôn trớ cần được đi khám tại các cơ sở y tế
Nếu đã tuân thủ các nguyên tắc trên nhưng tình trạng nôn trớ của bé vẫn không có dấu hiệu giảm bớt, mẹ nên đưa bé đi gặp bác sĩ. Bên cạnh đó, khi thấy trẻ nôn trớ đi kèm với một vài dấu hiệu bất thường dưới đây, mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tìm ra nguyên nhân cũng như có phương pháp điều trị hiệu quả.
- Trẻ không tăng cân hoặc bị sụt cân
- Sốt trên 38 độ C.
- Nôn mửa kéo dài trên 1 ngày.
- Trẻ có dấu hiệu mất nước: Môi, miệng trẻ khô, mắt trũng, khóc không ra nước mắt…
- Bé bỏ ăn, đau bụng dữ dội.
- Dịch nôn có màu bất thường như màu xanh vàng hoặc lẫn vệt máu.
- Đại tiện phân nhầy máu hoặc 3-5 ngày không đại tiện kèm theo chướng bụng. Nó có thể do một nguyên nhân bệnh lý nào đó, như rối loạn tiêu hóa, tắc ruột, lồng ruột…
6. Phòng tránh nôn trớ ở trẻ sơ sinh lặp lại
Để phòng tránh nôn trớ lặp lại, chế độ sinh hoạt khoa học đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Cụ thể như:
- Không ép trẻ ăn quá no, sau khi ăn nên bế trẻ vỗ ợ hơi nhẹ nhàng.
- Không bế xốc trẻ hoặc đùa khi trẻ vừa ăn no.
- Tạo môi trường tập trung cho bé ăn: Không cho trẻ vừa ăn vừa chơi, đi ăn dong.
- Tránh cho các bữa ăn quá gần nhau, nên cách nhau 2-4 giờ.
- Ăn uống đúng giờ. Không để trẻ ăn quá 30 phút vì không tốt cho tiêu hóa. Hình thành thói quen ăn uống xấu, thức ăn dễ bị biến đổi chất, nhiễm khuẩn.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bé.
- Hàng ngày massage quanh rốn nhẹ nhàng.
- Chỉ sử dụng thuốc chống nôn trớ khi có chỉ định của các bác sĩ.
Nôn trớ tái diễn nhiều lần, liên tục không chỉ khiến trẻ khó chịu, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Qua bài viết này hi vọng rằng mẹ đã có thêm nhiều hiểu biết để có thể xử trí kịp thời, giúp con yêu nhanh chóng vượt qua tình trạng này.
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.