Rối loạn tiêu hóa là một bệnh phổ biến không chỉ gặp ở người lớn mà còn xảy ra đối với trẻ nhỏ. Để hiểu hơn về nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, các mẹ hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
1. Rối loạn tiêu hóa là gì?
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng cơ vòng của hệ tiêu hóa co thắt một cách bất thường dẫn đến các cơn đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón,…
2. 5 nguyên nhân phổ biến gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
2.1. Ngộ độc thức ăn gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ
Ngộ độc thức ăn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Tình trạng này thường xảy ra khi trẻ ăn phải thức ăn ôi thiu, nhiễm khuẩn, các thực phẩm tương kỵ nhau (cua với bí đỏ, sữa đậu nành với trứng gà,…).
Thông thường, vài giờ sau khi bị ngộ độc thức ăn, trẻ sẽ có các biểu hiện như: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu, sốt,…nặng hơn có thể sốc, trụy tim mạch. Do đó các mẹ cần để ý các biểu hiện của trẻ để xử trí cho phù hợp.
Cách xử trí
Trong trường hợp trẻ bị ngộ độc thức ăn, các mẹ cần gây nôn cho trẻ. Điều này hết sức quan trọng vì nó khiến cho thức ăn trẻ ăn vào được tống hết ra ngoài.
Nếu trẻ bị tiêu chảy thì các mẹ cần bổ sung nước và chất điện giải cho trẻ bằng dung dịch Oresol.
Sau khi gây nôn cho trẻ, nếu tình trạng tiêu chảy vẫn kéo dài, trẻ mệt mỏi, sốt, co giật,… mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
2.2. Nhiễm khuẩn
Bình thường, trong đường ruột tồn tại cả vi khuẩn có lợi lẫn vi khuẩn có hại, với một tỷ lệ nhất định giúp cho việc tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng hiệu quả. Tuy nhiên, khi số lượng lợi khuẩn và hại khuẩn mất cân bằng dẫn đến loạn khuẩn đường ruột và gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
Một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em phải kể đến là nhiễm khuẩn. Sự gia tăng bất thường của hại khuẩn trong đường ruột có thể do việc ăn uống hay vệ sinh không đảm bảo.
Trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn có thể chia làm 3 nhóm sau:
2.2.1. Tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn
- Các loại vi khuẩn thường gây tiêu chảy ở trẻ là: Shigella, Salmonella, Escherichia coli, Clostridium difficile,…
- Trẻ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn sẽ có các biểu hiện như: Buồn nôn, nôn, đau bụng, mệt mỏi, nhức đầu, có thể sốt, đi ngoài phân nhiều nước và chất nhầy, đôi khi lẫn máu.
2.2.2. Tiêu chảy do virus
- Các loại virus thường gây tiêu chảy ở trẻ là: Rotavirus, Astroviruses, Adenoviruses, Parvoviruses, Noroviruses, Calicivirus.
- Trẻ bị tiêu chảy do virus có các biểu hiện: Nôn, đau bụng, sốt, ho và chảy nước mũi, đi ngoài phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu.
2.2.3. Tiêu chảy do nhiễm ký sinh trùng
- Các loại ký sinh trùng thường gây bệnh là Cryptosporidium, Entamoeba histolytica, Giardia lamblia, Toxoplasma gondii.
- Trẻ bị tiêu chảy khi nhiễm ký sinh trùng với các biểu hiện: Buồn nôn, ói mửa, đau quặn bụng, sốt nhẹ, đi ngoài phân mỡ, có máu…
Cách xử trí:
- Trường hợp trẻ bị tiêu chảy mất nước nhẹ: trẻ được điều trị tại nhà. Mẹ cần theo dõi và chăm sóc trẻ thường xuyên. Cho trẻ uống nhiều nước, uống Oresol, ăn thức ăn mềm, lỏng để trẻ dễ tiêu hóa.
- Trường hợp trẻ bị tiêu chảy mất nước vừa và nặng: trẻ sẽ được chăm sóc và điều trị tại cơ sở y tế. Khi đó, trẻ được cho uống dung dịch bù nước và điện giải Oresol liều cao hoặc truyền dịch Lactate Ringer tùy vào tình trạng của trẻ.
2.3. Dùng thuốc kháng sinh
Kháng sinh là những chất chuyển hóa có nguồn gốc từ vi sinh vật hoặc được tổng hợp. Ở liều nhỏ, chúng có tác dụng ức chế sự phát triển và sống sót của vi sinh vật. Thuốc kháng sinh được chỉ định trong trường hợp có nhiễm khuẩn.
Việc dùng thuốc kháng sinh cũng là một nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Bởi dùng kháng sinh dài ngày vô tình lợi khuẩn trong ruột cũng sẽ bị tiêu diệt. Điều này dẫn đến mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột và gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
Một số kháng sinh khi uống dễ gây rối loạn tiêu hóa là: ampicillin, cephalosporin, erythromycin, clindamycin,… Vì vậy, việc sử dụng kháng sinh đối với trẻ nhỏ cần có chỉ định của bác sĩ.
Cách xử trí
Trường hợp nhẹ, trẻ sẽ khỏi sau khi ngưng dùng thuốc kháng sinh. Nặng hơn, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu muốn tiếp tục cho trẻ sử dụng hoặc đổi thuốc khác.
2.4. Chế độ ăn mất cân bằng
Đối với trẻ nhỏ, việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng rất quan trọng. Việc điều chỉnh chế độ ăn hợp lí giúp hạn chế rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
- Nhu cầu dinh dưỡng ứng với mỗi giai đoạn phát triển của trẻ là khác nhau. Do đó, mẹ nên lập bảng theo dõi chiều cao và cân nặng của trẻ để bổ sung dinh dưỡng đầy đủ nhất.
- Bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ.
Dưới đây là các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do chế độ ăn mất cân bằng.
- Nôn trớ
Nguyên nhân: trẻ ăn quá nhiều hoặc ăn phải thức ăn không phù hợp với độ tuổi.
Cách xử trí: Cho trẻ ăn vừa phải, không ép trẻ ăn. Tham khảo chuyên gia dinh dưỡng về khẩu phần ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
- Táo bón
Nguyên nhân: Chế độ ăn không đủ chất xơ, trẻ không uống đủ nước,…khiến phân khô và cứng.
Cách xử trí: Mẹ nên bổ sung chất xơ với rau xanh, quả chín, yến mạch, các loại đậu,…Bên cạnh đó nên cho trẻ sử dụng các thực phẩm nhuận tràng như khoai lang, khoai tây,… Ngoài ra, cho trẻ uống đủ nước, uống men tiêu hóa bổ sung lợi khuẩn cũng là giải pháp hữu hiệu.
- Tiêu chảy
Nguyên nhân: chế độ ăn không hợp lý, cho trẻ ăn các thức ăn tương kỵ nhau, thức ăn lạ bụng.
Cách xử trí: Tránh các thực phẩm lạ, không cho trẻ ăn quá nhiều cùng một lúc.
» Xem thêm: Nguyên tắc xử trí tiêu chảy đúng cách ở trẻ nhỏ
Nguyên nhân: Chế độ ăn quá dư thừa đạm, tinh bột… khiến cơ thể không hấp thu hết được.
Cách xử trí: mẹ nên cho trẻ ăn với lượng vừa đủ, phân chia lượng thức ăn trong ngày hợp lý.
2.5. Không dung nạp hoặc dị ứng thức ăn
Rối loạn tiêu hóa cũng xảy ra khi trẻ không dung nạp được thức ăn. Hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Cụ thể như enzym amylase chưa được bài tiết đủ để phân hủy thức ăn chứa nhiều tinh bột, dạ dày nhỏ,… Vì vậy, việc cung cấp các chất dinh dưỡng vượt quá ngưỡng hấp thu dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
2.5.1. Không dung nạp lactose
Trường hợp rối loạn tiêu hóa do không dung nạp thức ăn điển hình là tình trạng trẻ bị tiêu chảy do không dung nạp lactose.
Bình thường, ruột non sản xuất ra enzym lactase phân hủy lactose thành các đường đơn giản hơn là glucose, galactose. Vì vậy, cơ thể trẻ dễ dàng hấp thu triệt để chất dinh dưỡng.
Vì một số nguyên nhân như bẩm sinh, rối loạn tiêu hóa, mắc bệnh Celiac, bệnh Crohn,…ruột non không sản xuất đủ enzym lactase.
Do đó, trẻ không thể hấp thu được hết lactose có trong các thực phẩm có nguồn gốc từ sữa. Lactose không được hấp thu sẽ tương tác với các vi khuẩn ở đại tràng gây tiêu chảy.
Cách xử trí: bù nước và điện giải bằng cách cho trẻ uống nhiều nước và dung dịch Oresol.
Với trẻ không dung nạp lactose bẩm sinh, mẹ tránh cho trẻ ăn thực phẩm có nguồn gốc từ sữa. Tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc đổi sữa cho trẻ (chuyển sang sữa free lactose). Bên cạnh đó chú trọng bổ sung các chất dinh dưỡng cho trẻ từ các loại thực phẩm khác.
Với trẻ không dung nạp lactose do mắc bệnh lý đường ruột như bệnh Celiac, bệnh Crohn,…thì khả năng dung nạp lactose của trẻ có thể trở lại khi khỏi bệnh. Mẹ nên ngừng cho trẻ dừng các thực phẩm có chứa lactose trong thời gian điều trị bệnh.
» Xem thêm: Trẻ không dung nạp lactose – Những điều mẹ nhất định phải biết
2.5.2. Dị ứng đạm bò
Dị ứng đạm bò là tình trạng trẻ có phản ứng dị ứng với thành phần đạm trong sữa bò. Khi đó, cơ thể tiết ra kháng thể IgE. IgE kích thích hệ thống miễn dịch giải phóng histamin và chất trung gian hóa học, gây nên phản ứng dị ứng ở trẻ.
Trẻ sẽ có các biểu hiện như phát ban, nổi mẩn, sưng môi và mí mắt, nôn trớ, tiêu chảy, ho, sổ mũi, khó thở, mệt mỏi, chán ăn,…
Cách xử trí:
Các mẹ cần ngưng dùng sữa bò cho trẻ (thay bằng sữa bột, sữa đạm thủy phân). Đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ chẩn đoán và điều trị.
» Xem thêm: 10 điều cần biết về rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
TỔNG KẾT: Trên đây là các nguyên nhân phổ biến gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em. Mẹ cần lưu ý để xác định đúng nguyên nhân và có cách xử trí thích hợp. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.