Thuốc hạ sốt là giải pháp dùng hạ nhiệt độ cơ thể khi lên cao trên 38,5 độ C. Thuốc hạ sốt có thể có nhiều loại với cách dùng và liều lượng khác nhau. Vậy làm thế nào để lựa chọn thuốc phù hợp và an toàn cho trẻ em, người bị suy gan, suy thận, phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Cùng đọc bài viết dưới đây để biết thêm thông tin.
Mục lục
- 1. Thuốc hạ sốt là gì?
- 2. Cơ chế tác dụng chung của thuốc hạ sốt
- 2. Phân loại thuốc hạ sốt theo dược lực học
- 3. Phân loại dạng bào chế thuốc hạ sốt
- 5. Thuốc hạ sốt được sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- 6. Thuốc hạ sốt sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
- 7. Thuốc hạ sốt cho người suy gan, suy thận
- 8. Thuốc hạ sốt thông dụng trên thị trường cho người lớn
- 9. Lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt
- 10. Một số tác dụng không mong muốn
- 11. Cách chăm sóc bệnh nhân khi bị sốt
- 12. Khi nào cần đi bệnh viện khi bị sốt? Một số loại sốt nguy hiểm
- Kết luận
1. Thuốc hạ sốt là gì?
Thuốc hạ sốt là thuốc có tác dụng làm hạ nhiệt thân nhiệt của người đang bị sốt và không làm hạ thân nhiệt của người bình thường.
2. Cơ chế tác dụng chung của thuốc hạ sốt
Khi các chất gây sốt như vi khuẩn, nấm, độc tố,… xâm nhập vào cơ thể kích thích bạch cầu sản xuất ra các chất gây sốt nội tại. Các chất này hoạt hóa men cyclooxygenase (viết tắt là COX) men này gồm có 2 loại:
- COX 1 có mặt trong các tổ chức bình thường, có vai trò điều hòa hoạt động sinh lí của hệ thống tiêu hóa, thận và nội mô mạch máu.
- COX 2 có mặt trong tổ chức gây viêm gây ra tình trạng viêm, sốt
Các chất hoạt hóa men COX làm tổng hợp Prostaglandin (PG) nhất là PG – 1 và PG – 2 từ acid arachidonic của vùng dưới đồi. PG sẽ gây sốt do làm tăng quá trình tạo nhiệt và giảm quá trình thải nhiệt. Thuốc hạ sốt sẽ ức chế COX làm giảm tổng hợp PG do đó làm giảm quá trình gây sốt nên có tác dụng hạ sốt.
2. Phân loại thuốc hạ sốt theo dược lực học
Thuốc hạ sốt có nhiều cách phân loại, nhưng cách phân loại chính là theo tác dụng – cơ chế của hoạt chất tác động vào chất gây sốt:
2.1. Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) loại ức chế enzym cyclooxygenase (COX) không chọn lọc
- Nhóm dẫn chất của acid salicylic: aspirin, methyl salicylat,…
- Nhóm indol: indomethacin, sulindac, tolmetin,….
- Nhóm Pyrazolon: phenylbutazon, metamizol,….
- Nhóm oxicam: piroxicam
- Nhóm acid propionic: ibuprofen, ketoprofen, naproxen,…
- Nhóm acid phenylacetic: diclofenac
- Nhóm acid fenamic: acid mefenamic, acid meclofenamic.
2.2. Thuốc NSAIDs ức chế ưu tiên chọn lọc trên COX 2
- Nhóm coxib: celecoxib, etoricoxib,….
- Nhóm acid indol acetic: etodolac
- Nhóm oxicam: Melocxicam
2.3. Nhóm aminophenol:
Đại diện nhóm có acetaminophen (paracetamol)
3. Phân loại dạng bào chế thuốc hạ sốt
Thuốc hạ sốt có các dạng bào chế sau:
- Viên nén, viên nén sủi bọt
- Viên nang
- Gói để pha dung dịch uống
- Dung dịch uống
- Dung dịch truyền tĩnh mạch
- Hỗn dịch
- Viên nhai
- Thuốc đạn
- Viên giải phóng kéo dài, bao phim
- Viên nén bao phim
5. Thuốc hạ sốt được sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Trên thị trường có rất nhiều thuốc hạ sốt nhưng không phải thuốc nào cũng dùng được cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vậy mẹ nên dùng loại nào? Dưới đây là các loại thuốc hạ sốt cho trẻ mẹ có thể tham khảo như:
5.1. Thuốc hạ sốt Paracetamol
Đây là thuốc rất an toàn khi sử dụng cho trẻ có thể hạ sốt do mọi nguyên nhân. Mẹ nên lưu ý liều lượng và cách dùng cho trẻ như sau:
Đường uống:
- Sơ sinh 28-32 tuần chỉnh theo tuổi thai: 20 mg/kg một liều duy nhất. Sau đó nếu cần thì cho trẻ uống 10-15 mg/kg cách 8-12 giờ nếu cần liều tối đa là 60mg/kg/ngày, nên chia thành nhiều liều nhỏ.
- Trẻ em từ 1-3 tháng tuổi: 30-60 mg, uống nhắc lại sau 8 giờ nếu cần.
- Trẻ 3-6 tháng tuổi: 60mg, có thể nhắc lại sau 4-6 giờ nếu cần, tối đa 4 liều/24 giờ.
Đặt trực tràng:
- Sơ sinh 28-32 tuần (chỉnh theo tuổi thai): liều 1 lần là 20mg/kg. Sau đó, cứ 12 giờ lại dùng 10-15mg/kg nếu cần thiết và liều tối đa là 30mg/kg/ngày chia thành nhiều liều nhỏ
- Sơ sinh >32 tuần chỉnh theo tuần tuổi thai: liều ban đầu 30mg/kg, sau đó 15-20mg/kg, cứ 8 giờ một lần, tối đa 60mg/kg chia thành nhiều liều nhỏ.
- Trẻ 1-3 tháng tuổi: 30-60mg/lần, 8 giờ một lần nếu cần thiết, trẻ 3 tháng-1 tuổi: 60-125mg/lần, 1-5 tuổi: 125-250mg/lần. Liều dùng tối đa 4 lần/24 giờ.
- Trẻ em 12-18 tuổi: 500mg cách 4-6 giờ/ lần
Một số thuốc hạ sốt cho bé có chứa hoạt chất paracetamol là:
- Thuốc efferalgan: bột sủi bọt để pha hỗn dịch uống chứa 150mg paracetamol
- Thuốc bột sủi bọt Ace kid 325: chứa 325mg paracetamol
- Thuốc bột uống cenphadol: chứa 150mg paracetamol
- Thuốc Tylenol trẻ em viên nhai: hoạt chất paracetamol trong bọc nang 80mg.
5.2. Thuốc Ibuprofen
Liều lượng được sử dụng cho trẻ em như:
- Trẻ 1-3 tháng: 5mg/kg, dùng 3-4 lần/ngày
- Trẻ 3-6 tháng cân nặng trên 5kg: 50mg, 3 lần/ngày, tối đa 30mg/kg/ngày, chia làm 3-4 lần/ngày
Một số thuốc hạ sốt cho trẻ em chứa hoạt chất ibuprofen:
- Hỗn dịch Havafen: chứa 100mg/5ml ibuprofen
- Viên nén sủi bọt Bicarfen 200: chứa 200mg ibuprofen
6. Thuốc hạ sốt sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Khi mẹ bị sốt, việc dùng thuốc của mẹ có thể ảnh hưởng tới con. Vậy mẹ nên dùng thuốc nào để an toàn cho cả mẹ và con thì ngay dưới đây là một số thuốc mẹ có thể dùng khi bị sốt như:
6.1. Thuốc paracetamol:
Dùng được cho cả phụ nữ có thai và cho con bú. Đây là thuốc ưu tiên sử dụng nhất cho đối tượng này khi bị sốt.
Tuy nhiên, phụ nữ đang mang thai cần sử dụng hết sức thận trọng, nên sử dụng thời gian ngắn nhất với liều thấp nhất và nên hạn chế tối đa dùng thuốc.
Liều dùng của thuốc như sau:
- Uống: thường dùng 0,5-1g/lần, 4-6 giờ/lần, tối đa là 4g/ngày
- Đặt trực tràng: 0,5-1g/lần, 4-6 giờ/lần, tối đa 4 lần/ngày.
Một số thuốc trên thị trường chứa hoạt chất paracetamol:
- Viên nang cứng paracetamol 500mg
- Viên nén bao phim Panamax: chứa 500mg paracetamol.
6.2. Thuốc hạ sốt Ibuprofen
KHÔNG sử dụng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng cuối thai kỳ do có thể ức chế co bóp tử cung dẫn tới chậm đẻ. Ngoài ra có thể gây tăng áp lực phổi, gây suy hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh, làm tăng nguy cơ chảy máu, gây tác dụng phụ trên hệ tim mạch của thai nhi và cũng có nguy cơ ít nước ối và vô niệu ở trẻ sơ sinh.
Được sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú do thuốc ít vào sữa mẹ nên ít xảy ra nguy cơ cho trẻ ở liều bình thường với mẹ.
Liều hạ sốt là 200-400mg, cách nhau 4-6 giờ/lần, tối đa 1,2g/ngày.
Một số tên thuốc trên thị trường như:
- Viên nang mềm Ibuprofen: 200mg ibuprofen
- Viên nén bao phim I-pain: 400mg ibuprofen
6.3. Thuốc aspirin
Thời kỳ mang thai: aspirin ức chế co bóp tử cung, do đó gây trì hoãn chuyển dạ. Tác dụng ức chế sản sinh prostaglandin có thể dẫn tới đóng sớm ống động mạch ở tử cung, với nguy cơ nghiêm trọng tăng huyết áp động mạch phổi và suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Nguy cơ chảy máu tăng lên ở cả mẹ và thai nhi. Do vậy không dùng aspirin vào 3 tháng cuối của thời kỳ mang thai.
Thời kỳ cho con bú: aspirin vào sữa mẹ nhưng với liều điều trị bình thường có ít nguy cơ xảy ra tác hại ở trẻ em bú sữa mẹ.
Liều dùng giảm đau, hạ sốt: uống 325-650, lặp lại liều dùng 4-6 giờ/lần nếu cần, tối đa 4g/ngày.
Một số biệt dược mẹ có thể tham khảo như:
- Viên nén sủi bọt Nogastine: chứa 325mg aspirin
- Viên nén bao tan trong ruột aspirin 82: 81mg aspirin
7. Thuốc hạ sốt cho người suy gan, suy thận
Người bị suy gan, suy thận dùng thuốc hạ sốt cần phải thận trọng và nên lựa chọn đúng thuốc để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh. Một số thuốc dưới đây có thể dùng người bệnh như:
7.1. Paracetamol
Không sử dụng cho những người suy gan nặng. Thận trọng cho những người suy gan và suy thận. Tránh dùng liều cao, dùng kéo dài và đường tĩnh mạch cho người bị suy gan vì có thể gây tích lũy thuốc nhiều càng làm nặng thêm tình trạng suy gan.
Suy thận:
- Nên dùng liều thấp
- Tiêm tĩnh mạch: Clcr ≤ 30ml/phút, giảm liều hàng ngày hoặc giãn rộng khoảng cách tiêm truyền giữa 2 lần truyền
- Nếu uống: ở trẻ em (ví dụ: trẻ 1-3 tháng tuổi 30mg), Clcr < 10ml/phút, cách nhau 8 giờ/lần, người lớn uống 500mg: nếu Clcr từ 10-50 ml/phút cách nhau 6 giờ/lần, Clcr <10ml/phút, cách nhau 8 giờ/lần.
Suy gan: dùng thận trọng, dùng liều thấp. Tránh dùng kéo dài.
7.2. Ibuprofen:
Không sử dụng cho người suy thận do có thể tăng nguy cơ rối loạn chức năng thận
Với người suy gan: nếu sử dụng lâu dài cần theo dõi chức năng gan thường xuyên
Liều dùng hạ sốt: 200 – 400mg, cách 4-6 giờ/lần, tối đa là 1,2g/ngày.
8. Thuốc hạ sốt thông dụng trên thị trường cho người lớn
Một số thuốc hạ sốt thông dụng trên thị trường có thể sử dụng cho người lớn và cần lưu ý dùng thuốc hạ sốt:
8.1. Paracetamol
Đây là thuốc hạ sốt được ưu tiên sử dụng đầu tiên và an toàn cho người sử dụng khi dùng đúng liều. Liều uống thường dùng là 0,5-1g/lần, 4-6 giờ 1 lần, tối đa 4g/ngày.
Khi dùng thuốc hạ sốt paracetamol tránh dùng chung với:
- Thuốc chống đông máu: do làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của coumarin và indandion.
- Phenothiazin do hạ thân nhiệt nghiêm trọng khi dùng cùng
- Uống quá nhiều rượu và dài ngày sẽ gây độc cho gan
- Thuốc chống co giật có thể gây độc hại tới gangan
- Probenecid: làm giảm đào thải paracetamol và làm tăng thời gian nửa đời trong huyết tương của paracetamol.
- Isoniazid và thuốc chống lao sẽ làm tăng độc tính của paracetamol với gan
Một số thuốc chứa hoạt chất paracetamol trên thị trường được sử dụng như:
- Tiffy: hoạt chất paracetamol 500mg, cloramphenicol maleat 2mg.
- Panadol: hoạt chất paracetamol 500mg
- Panadol extra: hoạt chất paracetamol 500mg và cafein 65mg.
- Hapacol: chứa 500mg paracetamol
8.2. Ibuprofen
Liều khuyến cáo hạ sốt là 200-400mg, cách 4-6 giờ có thể sử dụng lại, tối đa 1,2g/ngày
Khi dùng Ibuprofen cần thận trọng khi dùng cùng với các thuốc:
- Warfarin, aspirin: tăng nguy cơ chảy máu dạ dày
- Sử dụng corticoid và thuốc chống viêm không steroid có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày.
- Magnesi hydroxid làm tăng hấp thu của ibuprofen
- Methotrexat: làm tăng độc tính của methotrexat
- Furosemid, các thiazid: làm giảm tác dụng bài xuất natri niệu của thuốc lợi tiểu.
- Digoxin: làm tăng nồng độ của digoxin trong huyết tương.
Một số biệt dược chứa ibuprofen như:
- Ibuprofen Stada 400mg: hoạt chất ibuprofen 400mg
- Ibuprofen 200: hoạt chất ibuprofen 200mg
8.3. Aspirin
Liều giảm đau, giảm sốt: 300 – 900mg, lặp lại 4-6 giờ, tối đa 4g/ngày.
Thuốc aspirin ít bị ảnh hưởng khi dùng cùng với thuốc khác, nhưng dùng cùng với aspirin làm giảm nồng độ của indomethacin, naproxen, và fenoprofen.
Khi dùng aspirin với warfarin làm tăng nguy cơ chảy máu, và với methotrexat, thuốc hạ glucose máu sulphonylure, phenytoin, acid valproic làm tăng nồng độ thuốc này trong huyết thanh và tăng độc tính.
Aspirin làm giảm tác dụng của các thuốc: probenecid và sulphipyrazol.
Một số biệt dược chứa aspirin như: aspirin Ph8, aspirin 81, dospirin seltzer,…
Ngoài ra, một số thuốc naproxen, piroxicam, indomethacin, celecoxib, Meloxicam,…..thường được sử dụng với tác dụng giảm đau, chống viêm trong các trường hợp như: viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, bệnh mạn tính,….Ít sử dụng để hạ sốt do có tác dụng kém hơn các thuốc trên. Do vậy, khi dùng thuốc hạ sốt nên hết sức lưu ý.
9. Lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt
Khi dùng thuốc hạ sốt người bệnh cần phải lưu ý:
- Chỉ dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể lên tới 38,5 oC
- Không nên phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt với nhau do có thể tăng kích ứng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa,…
- Hạn chế tối đa việc dùng thuốc cho phụ nữ có thai, nên ưu tiên các biện pháp không dùng thuốc như: ăn cháo hành lá, tía tô, bổ sung chất điện giải,….
- Nên dùng thuốc trong thời gian ngắn, không dùng quá 5-7 ngày liên tục khi không có hướng dẫn của bác sĩ.
- Dùng thuốc đúng liều, đúng đối tượng, không được dùng quá liều tối đa để tránh các tác dụng có hại tới cơ thể.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng
- Hãy uống các thuốc NSAIDs ( ibuprofen, naproxen, aspirin,…) ngay sau bữa ăn và uống 1 cốc nước đầy để tránh tác dụng không mong muốn trên dạ dày
- Khi dùng thuốc hạ sốt cần chú ý tới các thực phẩm hay thuốc có dùng cùng được hay không?
10. Một số tác dụng không mong muốn
Các thuốc hạ sốt có một số tác dụng không mong muốn chung như:
- Trên tiêu hóa: có thể gây kích ứng, đau thượng vị, nặng hơn có thể gây loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa,…
- Trên máu: Kéo dài thời thời gian chảy máu do ức chế kết tập tiểu cầu, giảm tiểu cầu và prothrombin. Hậu quả gây kéo dài thời gian đông máu, mất máu không nhìn thấy qua phân và tăng nguy cơ chảy máu
- Trên thận: làm giảm lưu lượng máu qua thận, giảm thải dẫn tới ứ nước, tăng kali máu và viêm thận kẽ.
- Trên hô hấp: Gây hen giả trên người không bị hen hoặc làm tăng các cơn hen ở người hen phế quản
- Các dụng mong muốn khác như: Mẫn cảm (ban da, mề đay, sốc quá mẫn), gây độc với gan, dị tật thai ở 3 tháng đầu thai kỳ hoặc kéo dài thời kỳ mang thai và chuyển dạ, xuất huyết khi sinh,…
11. Cách chăm sóc bệnh nhân khi bị sốt
Việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp người bệnh hạ sốt nhanh, giảm được cảm giác mệt mỏi, khó chịu. Các cách hạ sốt cho trẻ nhỏ, cho mẹ, người đang mắc bệnh lý,…. có thể tham khảo như:
11.1. Nên cho người bệnh nghỉ ngơi nhiều hơn và uống nhiều nước
Sốt là dấu hiệu cho biết hệ miễn dịch đang làm việc tích cực để chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng. Vì vậy, hãy để cho cơ thể được nghỉ ngơi để cơ thể có thêm năng lượng và thời gian cần thiết để chiến đấu với vi trùng. Cố gắng ngủ 8-9 tiếng mỗi ngày.
Uống nhiều nước có thể giúp cơ thể điều chỉnh lại nhiệt độ, loại bỏ vi trùng. Ngoài uống nước lọc có thể uống sữa, nước ép trái cây,….
11.2. Vệ sinh nhà, đồ chơi, đồ dùng thường xuyên
Virus có thể sống trên các bề mặt trong vài giờ khi người bệnh chạm vào. Do vậy, nên lau dọn nhà thường xuyên và các đồ dùng, đồ chơi để giữ cho chúng không có mầm bệnh. Điều này ngăn chặn sự lây lan cho người khác đồng thời và có thể làm giảm được tình trạng sốt cho người bệnh.
11.3. Rửa tay sạch sẽ
Rửa tay ít nhất 20 giây và rửa tay thường xuyên giúp ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng đồng thời cũng bảo vệ cơ thể khỏi bị bệnh. Có thể sử dụng xà và nước thường, hay cồn rửa tay để rửa tay thường xuyên.
11.4. Duy trì lối sống lành mạnh
Phải giữ cơ thể luôn khỏe mạnh, nếu bị cảm lạnh hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ chống lại các tác nhân nhiễm trùng giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
Biện pháp có thể tăng hệ thống miễn dịch: ngủ đủ giấc, ăn nhiều trái cây và rau quả, bổ sung lợi khuẩn,….Tránh cho người bệnh ăn các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ do có thể khiến cơ thể sản sinh thêm nhiệt làm cơ cho người bệnh sốt cao hơn.
11.5. Làm mát cơ thể
Nên lựa chọn quần áo mỏng, nhẹ giúp cơ thể cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Hay có thể dùng khăn ấm để lau người để giảm bớt nhiệt tỏa ra. Không nên dùng nước lạnh để tắm hay lau mình vì nhiệt độ thấp sẽ làm nhiệt độ cơ thể tăng lên
11.6. Nên cho người bệnh ăn các thức ăn lỏng
Khi sốt người bệnh rất mệt mỏi, cổ họng có thể bị đau rát. Do vậy, nên lựa chọn các món ăn lỏng, mềm dễ ăn như: các loại cháo, bún, phở,….
» Xem thêm: Nắm ngay 8 biện pháp phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ em
12. Khi nào cần đi bệnh viện khi bị sốt? Một số loại sốt nguy hiểm
Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể để đáp ứng lại các tác nhân gây bệnh. Sốt thông thường được điều trị tại nhà. Nhưng trong một số trường hợp sốt kèm theo các dấu hiệu dưới đây cần phải đi khám ngay:
12.1.Trẻ sơ sinh
- Trẻ hơn 3 tháng tuổi: có nhiệt độ tại trực tràng từ 38 độ C trở lên
- Trẻ từ 3-6 tháng tuổi: nhiệt độ trực tràng từ 38,9 độ C trở lên và thường cáu kỉnh bất thường, khó chịu, hôn mê,…
- Trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi: nhiệt độ trực tràng cao hơn 38,9 độ C kéo dài hơn 1 ngày nhưng không có triệu chứng nào khác hoặc có thể kèm theo triệu chứng như: cảm lạnh, ho, tiêu chảy,….
12.2. Trẻ em sốt kèm theo các biểu hiện sau
- Nhiệt độ trên 39 độ C
- Hay cáu kình, nôn mửa liên tục, đau đầu dữ dội hoặc đau bụng
- Sốt kéo dài hơn 3 ngày, uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ
- Vẻ mặt nhợt nhạt và giao tiếp bằng mắt kém
- Trẻ sốt tái đi tái lại
- Sốt kèm theo phát ban
- Trẻ sốt kèm theo bệnh nền: lupus, ung thư, tim mạch,….
12.3. Người lớn:
Với người lớn, nhiệt độ từ 39,4 oC và kèm theo các triệu chứng sau cần đi khám ngay:
- Nhức đầu dữ dội
- Phát ban bất thường, đặc biệt phát ban nặng lên nhanh chóng
- Nhạy cảm với ánh sáng chói
- Cứng cổ và đau khi cúi người về phía trước
- Rối loạn tâm thần
- Nôn mửa liên tục
- Khó thở hoặc đau ngực
- Đau bụng hoặc đau khi đi tiểu
- Co giật hoặc động kinh
12.4. Một số loại sốt nguy hiểm cho người bệnh như:
- Sốt virus (sốt siêu vi): thường xảy ra ở trẻ em với người cao tuổi do hệ miễn dịch yếu. Triệu chứng đặc trưng của sốt virus như: sốt cao, cơ thể mệt mỏi, nhức đầu, phát ban, xuất hiện hạch, khó thở,…Sốt virus có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm thanh quản, viêm phổi, viêm cơ tim, biến chứng não,….
- Sốt xuất huyết: là bệnh cấp tính do virus dengue gây ra. Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt và kéo dài 4-7 ngày từ khi muỗi truyền bệnh, biểu hiện: sốt cao có thể lên tới 40,5 oC, nhức đầu, đau phía sau mắt, đau nhức cơ, buồn nôn, phát ban,…Sốt xuất huyết có thể gây biến chứng nặng (suy tạng nặng, suy gan cấp, suy thận cấp,…) và ty lệ tử vong cao
- Sốt amidan: là tình trạng sốt phổ biến ở trẻ em do các độc tố từ ổ viêm kích thích cơ thể sản sinh ra chất nội sinh. Sốt do viêm amidan có thể gây mất nước, co giật, hôn mê sâu ở trẻ. Do đó, cần phải mẹ cần phải điều trị kịp thời cho trẻ tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
- Ngoài ra, sốt kèm theo một số bệnh lý: bệnh crohn, tiêu chảy,….nếu không được điều trị kịp thời có dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như: hôn mê, mất nước, co giật,….
Kết luận
Tùy vào từng đối tượng cụ thể có thể lựa chọn thuốc hạ sốt như:
- Trẻ em: paracetamol, aspirin
- Phụ nữ mang thai: paracetamol dùng liều thấp và thời gian ngắn, ibuprofen và aspirin không dùng trong 3 tháng cuối thai kỳ.
- Phụ nữ cho con bú: paracetamol, ibuprofen, aspirin
- Người suy gan: paracetamol (không nên dùng cho người suy gan nặng), ibuprofen và dùng ở mức liều thấp
- Người suy thận: paracetamol dùng ở liều thấp
- Người lớn: paracetamol, ibuprofen, aspirin
Ngoài ra, người bệnh nên kết hợp thêm các biện pháp không dùng thuốc để hạ sốt nhanh. Hy vọng bài viết trên cung cấp thông tin bổ ích cho người đọc.
Mọi chi tiết thắc mắc xin liên hệ qua HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
» Xem thêm: 4 nguyên tắc chăm sóc – phục hồi tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Nguồn tham khảo
Nghiên cứu chuyên sâu về các bệnh ngoài da do vi khuẩn , virus ở cả người lớn và trẻ em. chuyên gia tư vấn các tổn thương da liễu như vết thương, vết loét, các bệnh lý chám, chốc, thuỷ đậy, tay chân miệng, zona, herpes… Với mong muốn giúp đỡ người bệnh phục hồi nhanh nhất mà không cần dùng đến kháng sinh, tôi luôn không ngừng tìm tòi những giải pháp đẩy lùi bệnh tật tự nhiên – hiệu quả – an toàn.