Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là tình trạng hầu hết trẻ đều gặp phải trong những năm đầu đời. Điều đó sẽ khiến bé chán ăn, mệt mỏi và giảm hấp thu dinh dưỡng. Chính vì thế, cha mẹ cần có cách chăm sóc và xử trí dứt điểm tình trạng này ở trẻ.
Mục lục
I – Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bé bị rối loạn tiêu hóa
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Một chế độ ăn phù hợp giúp cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng. Chúng giúp hệ tiêu hoá của bé vừa dễ tiêu, dễ hấp thu, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn.
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ bao gồm các tình trạng tiêu chảy, táo bón, phân sống, nôn trớ…
1. Trẻ bị rối loạn tiêu hoá – tiêu chảy
Nguyên tắc quan trọng trong điều trị tiêu chảy ở trẻ là khẩu phần ăn bình thường của trẻ nên được duy trì và tăng dần lên.
Một số lưu ý:
- Trẻ còn đang bú mẹ cần tăng cường bú mẹ, cho trẻ bú nhiều lần hơn và bú lâu hơn. Nếu trẻ không bú mẹ thì cho trẻ ăn những loại sữa công thức trẻ đang thường dùng, mỗi cữ sữa cách nhau khoảng 3 giờ.
- Ở trẻ đã ăn dặm, các thực phẩm nên dùng là gạo, khoai tây, thịt gà, thịt lợn, cá, sữa chua, dầu thực vật,… Đặc biệt, nên bổ sung cà rốt, hồng xiêm, chuối cung cấp các chất dinh dưỡng như vitamin, glucid, có chứa nhiều pectin và lignin, giúp hút nước và hút tất cả các chất cặn bã trong ruột và kéo ra ngoài, giúp làm đặc phân và sạch ruột.
- Không cho trẻ ăn thức ăn nhiều đường vì có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn.
- Không hạn chế trẻ ăn, cho trẻ ăn nhiều bữa trong một ngày, cách khoảng 3-4 giờ cho trẻ ăn một lần. Cho ăn nhiều lần trong ngày với lượng vừa phải sẽ giúp trẻ hấp thu thức ăn tốt hơn.
- Sau khi ngừng tiêu chảy, tiếp tục chế độ ăn giàu năng lượng. Mẹ bổ sung thêm một bữa phụ mỗi ngày trong ít nhất 2 tuần để trẻ bắt kịp tốc độ tăng trưởng.
2. Trẻ rối loạn tiêu hoá – táo bón
Khi trẻ gặp tình trạng táo bón nên cho trẻ uống nhiều nước và bổ sung chất xơ trong trái cây và rau xanh.
Một số lưu ý:
Duy trì ăn đủ lượng, đủ bữa hằng ngày
Thức ăn nên được cắt nhỏ, nấu chín mềm cho trẻ dễ nuốt, dễ tiêu.
Nên cho trẻ ăn các loại rau quả như: rau dền, rau lang, rau mồng tơi, khoai lang, cam, chuối, bưởi, bơ, đu đủ…có tác dụng nhuận tràng tốt, dễ tiêu. Có thể ép lấy nước hoặc cho thêm sữa tươi hay sữa chua xay lẫn tạo hương vị hấp dẫn cho bé dễ ăn hơn.
Không nên cho trẻ ăn trái cây, rau củ có thể gây táo bón như hồng xiêm, cà rốt,…
Cho trẻ uống đủ nước:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi và còn bú mẹ hoàn toàn thì không cần uống thêm nước. Mẹ cần thay đổi chế độ ăn, tăng cường chất xơ từ rau và trái cây, uống nhiều nước.
- Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi và đang ăn dặm, uống 200 – 300ml nước/ngày.
- Trẻ 1 – 3 tuổi, uống 500 – 600ml nước/ngày
- Trẻ 3 – 5 tuổi, uống 1 lít nước/ngày
- Trẻ 6 – 10 tuổi, uống 1,2 – 1,5 lít nước/ngày
- Trẻ lớn trên 10 tuổi, uống tương đương người lớn từ 1,5 – 2 lít nước/ngày.
3. Trẻ đi ngoài phân sống
Nên cho trẻ ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng dễ tiêu hoá. Các mẹ có thể tham khảo như: cháo ninh nhừ hoặc cháo xay với thịt gà (bò hoặc thịt thăn), cà rốt, khoai tây, bí đỏ…giảm bớt lượng dầu mỡ khi chế biến.
Nên tạm ngừng các thực phẩm tanh như tôm, cua, cá, lươn… khi phân trở lại bình thường thì có thể ăn trở lại.
Hạn chế cho trẻ ăn các thức ăn khó tiêu như: ngô, đỗ, đồ ăn nhanh, nước ngọt nhiều đường, nước có ga.
Cho trẻ ăn thêm sữa chua kích thích thèm ăn và dễ tiêu hóa.
Chia làm nhiều bữa trong ngày và không nên cho con ăn quá nhiều trong mỗi bữa. Khi đường ruột hoạt động bình thường trở lại, mẹ nên cho con ăn từ từ, tăng dần về lượng.
4. Trẻ bị nôn trớ trong rối loạn tiêu hoá
Chia khẩu phần ăn của trẻ thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và giảm lượng ăn trong mỗi bữa.
Cho trẻ ăn thức ăn đặc hơn so với sữa mẹ với trẻ trên 6 tháng tuổi. Và khi đó mẹ cho bé bắt đầu ăn dặm kết hợp bổ sung nước.
Cho trẻ ăn những loại thực phẩm dễ tiêu hóa như sữa chua, ngũ cốc.
Sau khi ăn, bế trẻ ở tư thế thẳng đứng khoảng 15 phút, tránh cho trẻ nằm ngay.
II – Thói quen sinh hoạt giúp cải thiện rối loạn tiêu hóa ở trẻ
Để cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ, mẹ nên tạo cho trẻ thói quen sinh hoạt với các nguyên tắc như sau:
- Duy trì việc ăn các bữa chính và bữa ăn nhẹ theo lịch trình thường xuyên
- Tạo một môi trường thoải mái và tập trung khi cho trẻ ăn. Hạn chế để trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại.
- Tập cho trẻ nhai kỹ thức ăn giúp thức ăn được cắt nhỏ. Vì khi đó nước bọt được tiết ra nhiều hơn, giúp dễ dàng tiêu hóa thức ăn.
- Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện hệ tiêu hóa cho bé
Bé bị rối loạn tiêu hoá – tiêu chảy
- Sử dụng nguồn nước sạch cho vệ sinh, ăn uống
- Vệ sinh sạch sẽ cho bé và môi trường xung quanh bé: đồ chơi, nhà cửa,…
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi làm thức ăn, cho trẻ ăn, chăm sóc trẻ và sau khi đi vệ sinh, thay tã lót cho trẻ.
- Xử lí an toàn phân của trẻ.
Bé bị rối loạn tiêu hoá – táo bón
- Tăng cường vận động cơ thành bụng và cơ tròn hậu môn bằng cách chạy nhảy, nô đùa, tập thể dục, thể thao (dành cho trẻ lớn).
- Xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải qua trái ngày 3 – 4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn (trẻ dưới 1 tuổi).
- Tập cho trẻ đại tiện vào thời điểm cố định mỗi ngày.
Bé bị rối loạn tiêu hoá – đi ngoài phân sống
- Mẹ cần thường xuyên theo dõi phân của trẻ để điều chỉnh chế độ ăn và phương pháp xử trí kịp thời.
- Trẻ mắc phân sống hay bị hăm loét quanh hậu môn do phân bị acid hóa. Mẹ nên vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bằng nước chè xanh (dùng lá chè xanh sạch nấu lấy nước) hoặc bằng dung dịch sát khuẩn chuyên dụng cho trẻ bị hăm.
Bé bị rối loạn tiêu hoá – nôn trớ
- Đối với trẻ đang bú mẹ nên điều chỉnh tư thế cho bé khi bú, nâng đầu cao 30-45 độ, bú xong giữ nguyên tư thế nâng cao đầu 15-30 phút, sau đó mới cho trẻ nằm.
- Mẹ có thể sử dụng cách vỗ ợ hơi cho trẻ để giúp đẩy khí ra ngoài bằng cách bế bé, để bé nằm song song với cơ thể mẹ, đầu dựa vào vai mẹ, một tay mẹ giữ cổ và đầu bé, một tay tiến hành vỗ ợ hơi.
- Cách vỗ ợ hơi: khum bàn tay lại và vỗ vào lưng của trẻ sao cho tạo ra những tiếng nghe bồm bộp. Vỗ dọc lưng trẻ, theo chiều từ thắt lưng lên đến cổ, đến khi nghe thấy tiếng trẻ ợ hơi hoặc trào một chút cặn sữa ra ngoài. Khi đó trẻ cảm thấy thoải mái, có thể đặt trẻ nằm xuống.
- Mẹ cần đặc biệt chú ý đến không gian sinh sống, ngủ nghỉ của trẻ được sạch sẽ, thong thoáng, tránh xa khói huốc, khói bụi, cũng như mùi thức ăn lạ, nồng.
III – Thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ
Sau khi điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt của bé mà vẫn không thấy tình trạng rối loạn tiêu hóa thuyên giảm, việc dùng thuốc là cần thiết để giải quyết vấn đề.
1. Điều trị rối loạn tiêu hoá – tiêu chảy
Bồi phụ nước và điện giải là phương pháp khắc phục tình trạng mất nước mà mẹ có thể làm tại nhà.
Tiêu chảy dẫn đến mất nước , tùy theo mức độ mất nước có biện pháp xử trí phù hợp. Nếu trẻ mất nước nhẹ, có thể điều trị tại nhà, bù nước bằng cách cho trẻ uống nước đun sôi để nguội, nước cháo muối, nước gạo rang, nước dừa…hoặc uống ORS.
- Nước cháo muối: Dùng 1 nắm gạo 50g, muối 3,5g và 1 lít nước lọc, nấu nhừ, lọc lấy nước cho trẻ uống dần.
- Nước gạo rang muối: Gạo rang vàng 50g, muối 3,5g +1 lít nước lọc, nấu chín, lọc lấy nước cho trẻ uống dần.
- ORS( Oresol):Thành phần gói Oresol chuẩn có glucose 20g, natri clorua 3,5g, kali clorua 1,5g, bicarbonat 2,5g.
Oresol
Mục đích: bù nước và điện giải
Cách pha: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi pha. Đổ bột trong gói vào một cái bình hoặc ấm tích sạch, đong 1 lít nước sạch đun sôi để nguội đổ vào bình chứa, khuấy kỹ cho bột tan hoàn toàn, đậy kín bình lại, cho trẻ uống trong vòng 24 giờ. Quá 24 giờ đổ dung dịch đã pha đi và pha dung dịch mới.
Liều lượng: Trẻ < 2 tuổi: 50-100 ml sau mỗi lần tiêu chảy
Trẻ 2-10 tuổi: 100-200 ml sau mỗi lần đi phân lỏng
Trẻ trên 10 tuổi: uống đến khi hết khát
[/ads_color_box]
Cách cho uống: cho trẻ uống thường xuyên từng ngụm nhỏ bằng chén hoặc bằng thìa. Nếu trẻ nôn, đợi 10 phút rồi tiếp tục cho uống nhưng chậm hơn, uống mỗi thìa cách nhau 2-3 phút.
Theo dõi sát số lần tiêu chảy, số lượng phân và triệu chứng toàn thân. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như: vật vã kích thích hoặc li bì, uông nước bị nôn, đi đái ít, khóc không ra nước mắt, da nhăn nheo, mắt trũng, môi khô phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.
Thuốc hấp phụ và bao niêm mạc ruột
Cơ chế: thuốc này có khả năng gắn với protein của niêm mạc đường tiêu hóa, tạo thành một lớp mỏng bao phủ, bảo vệ niêm mạc. Do đó ngăn cản các tác nhân gây tiêu chảy bám vào niêm mạc ống tiêu hóa, giúp cải thiện khuôn phân, giảm lượng phân thải ra và rút ngắn thời gian tiêu chảy. Ngoài ra, thuốc còn hấp phụ các độc tố của vi khuẩn, các khí trong ruột.
Hoạt chất thường sử dụng bao gồm nhôm kép và magie silicat ( Diosmectite, Atapulgit)
Lưu ý:
- Thuốc Diosmectite không hấp thu và được thải ra ngoài theo đường tiêu hóa nên dùng được cho trẻ sơ sinh.
- Thuốc Atapulgite không được chỉ định dùng cho trẻ dưới 6 tuổi. Tác dụng không mong muốn hay gặp là gây táo bón. Dùng quá liều còn có thể gây thiếu hụt Photpho.
- Loại thuốc trên có tác dụng hỗ trợ, cải thiện triệu chứng tiêu chảy, không phải loại thuốc giúp điều trị nguyên nhân tận gốc.
Thuốc cầm tiêu chảy
Loperamide
Cơ chế: Loperamid là chất tổng hợp thuộc nhóm opiat. Thuốc tác dụng trực tiếp lên cơ vòng, cơ dọc thành ruột, làm giảm nhu động thành ruột, tăng lực co thắt hậu môn, giảm tiết dịch đường tiêu hóa nên làm giảm sự mất dịch, chất điện giải, giảm thể tích phân, cầm tiêu chảy khá nhanh.
Lưu ý:
Loperamid không được đưa vào thường quy điều trị cho trẻ em dưới 6 tuổi vì có thể gây ra các triệu chứng thần kinh.
Đúng liều cao kéo dài gây táo bón, đau bụng, buồn nôn, nôn, khô miệng, chướng bụng, tắc, liệt ruột.
Có thể gây bùng phát lại nhiễm khuẩn vì thuốc làm giảm nhu động ruột nên tăng thời gian giữ lại phân trong ruột, làm tăng vi khuẩn trong ruột. Do đó nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
Racecadotril
Cơ chế: Racecadotril ức chế enzym enkephalinase và qua đó làm bền chất enkephalin dẫn đến giảm tiết dịch khi có sự tăng tiết, giảm mất dịch chất điện giải, giảm khối lượng phân bài tiết, giảm thời gian kéo dài tiêu chảy.
Racecadotril dùng được cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên do không đi qua được hàng rào máu não của trẻ nên không có tác hại trên thần kinh của trẻ.
Lưu ý: Mẹ chỉ nên dùng với liều đủ hiệu quả chống tiết dịch, chất điện giải mà không nên dùng liều cao hơn.
Thuốc kháng sinh
Chỉ sử dụng kháng sinh điều trị khi xác định tiêu chảy ở trẻ là do nhiễm khuẩn. Để nhận biết được điều này là khó đối với mẹ và cần được sự can thiệp của bác sĩ.
Các thuốc kháng sinh được sử dụng trong các trường hợp:
Do lỵ trực khuẩn: Lựa chọn Ciprofloxacin 15mg/kg, 2 lần/ngày ×3 ngày
Do lỵ amip: sử dụng Metronidazol 30mg/kg/ngày × 5 ngày
Do giardia đơn bào: dụng Metronidazole 30mg/kg/ngày × 5-10 ngày.
Do tả : Tetracyclin 50mg/kg/ngày chia 4 lần trong 3 ngày hoặc Furazolidon 5mg/kg/ngày × 3 ngày
2. Điều trị táo bón trong rối loạn tiêu hoá ở trẻ
Các thuốc hay được sử dụng trong điều trị táo bón ở trẻ như:
Thuốc nhuận tràng thẩm thấu
Cơ chế tác dụng: làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột, giúp giữ nước làm mềm phân và tăng nhu động ruột.
Một số thuốc cụ thể như:
Lactulose( biệt dược Duphalac)
Công dụng: Lactulose là disaccharid tổng hợp, không hấp thu qua màng ruột vì không có men phân giải thành đường đơn. Tại trực tràng, vi khuẩn ruột phân giải lactulose thành acid acetic, acid lactic, acid formic có tác dụng thẩm thấu làm tăng khối lượng phân và kích thích nhu động ruột.
Liều lượng: dung dịch lactulose 50% uống 5-10ml 1 lần/ ngày( trẻ dưới 1 tuổi), 10-20ml 1 lần/ ngày( trẻ 1-6 tuổi), 20-50ml 1 lần/ ngày với trẻ trên 6 tuổi
Công dụng: thuốc có khả năng thúc đẩy quá trình hydrat hóa các chất trong đường ruột. Đồng thời có thể thẩm thấu nước vào trong ruột và tăng nhu động ruột để đẩy phân ra ngoài.
Liều dùng: uống 1 gói vào buổi sáng trước khi ăn, không dùng kéo dài.
Macrogol 4000( biệt dược Forlax, Fortrans)
Công dụng: thuốc có tác dụng tăng lượng nước trong phân, giúp phân mềm hơn và tăng khối lượng phân. Làm tăng thể tích ruột, từ đó có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón. Dùng trong điều trị táo bón ngắn hạn (<2 tuần)
Thuốc có tác dụng nhuận tràng mạnh nên chỉ dùng cho trẻ lớn (trên 8 tuổi).
Thuốc nhuận tràng tạo khối
Cơ chế tác dụng: Chứa các polysaccharid thiên nhiên hoặc tổng hợp không hòa tan, không hấp thu trong ruột, hút nước giúp phân trương nở, làm mềm phân. Bên cạnh đó, hệ vi sinh vật ở ruột già giúp tiêu hóa một phần polysaccharid, sản phẩm tạo ra giúp kích thích nhu động ruột, dễ dàng đẩy phân ra ngoài.
Thuốc chứa chất xơ Methylcellulose (biệt dược Citrucel) là chất xơ không độc hại, không gây dị ứng và không gây kích ứng.
Công dụng: thuốc có tác dụng hút nước vào phân, cải thiện tình trạng táo bón sau 1-3 ngày điều trị.
Liều dùng Citrucel ở trẻ em: 0,5g x 1-3 lần/ngày. Lưu ý bổ sung thêm nước cho trẻ. Khi dùng liều cao có thể gây tiêu chảy.
Thuốc nhuận tràng kích thích
Cơ chế tác dụng: hoạt hóa đám rối thần kinh ở thành ruột, kích thích nhu động ruột. Đồng thời nó làm thay đổi tính thấm của tế bào niêm mạc ruột, tăng bài tiết nước và điện giải, điều hòa nhu động ruôt.
Hoạt chất: Bisacodyl (Dulcolax) – nhóm này được chỉ định khi các nhóm thuốc trên không đạt hiệu quả điều trị.
Liều dùng: uống 5-10 mg/ ngày chia 1-2 lần
Thuốc gây ra các tác dụng không mong muốn như: đau bụng, buồn nôn, rối loạn nước điện giải. Do vậy, không nên dùng thường xuyên, mỗi đợt không nên dùng quá một tuần và giữa 2 đợt liên tiếp nên cách nhau ít nhất 3 tuần.
Thuốc nhuận tràng làm mềm phân
Cơ chế tác dụng: Bản chất thuốc nhóm này là các chất diện hoạt anion nên chúng đóng vai trò là các chất nhũ hoá, làm tăng tương tác giữa nước, chất xơ, chất béo trong phân. Bên cạnh đó, thuốc còn kích thích bài tiết nước và các chất điện giải vào ruột non và ruột già. Vì thế, phân được làm ẩm và mềm, giúp tống tháo phân dễ dàng.
Hoạt chất: Docusat natri( biệt dược Ausagel 100)
Liều dùng: 5-10 mg/kg/24 giờ, uống, chia 2-3 lần.
Không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi
Lưu ý: nhóm thuốc trên cho tác dụng chậm (sau vài ngày) do cần thời gian nhũ hoá nước và chất béo. Vì vậy khi dùng lâu có thể gây rối loạn nước và điện giải, ngăn sự hấp thu vitamin tan trong dầu (A, D, K, E) và gây phụ thuộc, khiến bé mất đi phản xạ đi tự nhiên.
Thuốc nhuận tràng làm trơn
Cơ chế tác dụng: Thuốc nhuận tràng làm trơn như dầu paraphin bao quanh trực tràng làm trơn niêm mạc ruột, ngăn chặn sự tái hấp thu nước tại đây, giúp khối phân dễ di chuyển trong lòng ruột.
Thuốc làm giảm sự hấp thu các vitamin tan trong dầu. Do đó khi cần nên bổ sung thêm các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K.
Liều dùng: 1-4 ml/kg/ngày chia 2 lần, tối đa 12ml/kg/ngày, để lạnh hòa với tinh dầu cam để trẻ dễ uống.
Không dùng dầu paraphin cho trẻ dưới 12 tháng tuổi để tránh bị sặc.
3. Điều trị đi ngoài phân sống trong rối loạn tiêu hoá ở trẻ
Hiện tượng đi ngoài phân sống có rất nhiều nguyên nhân, có thể do chế độ ăn chưa phù hợp, đường ruột của trẻ đang gặp vấn đề, do thiếu men tiêu hoá hoặc loạn khuẩn đường ruột…Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hiện tượng tổn thương niêm mạc ruột, ảnh hưởng tới quá trình hấp thu thức ăn.
Mẹ nên cho uống men vi sinh, vitamin tổng hợp kết hợp với việc thay đổi chế độ ăn như trên. Nếu tình trạng bệnh không tiến triển nên cho trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế.
4. Điều trị nôn trớ trong rối loạn tiêu hoá ở trẻ
Bản chất của thuốc chống nôn trớ là giảm co bóp cơ trơn dạ dày. Khi sử dụng thuốc (trước bữa ăn của trẻ), dạ dày giảm co bóp, hạn chế nôn trớ. Thuốc chống nôn trớ không nên sử dụng quá 3 lần trong một ngày và việc uống thuốc phải có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự dùng thuốc cho trẻ.
Hoạt chất Domperidon với biệt dược Motilium
Công dụng: thuốc làm tăng cường chuyển động và co thắt dạ dày ruột
Liều lượng: Dùng 0.25-0.5 mg/kg x 3-4 lần/ngày, tối đa không quá 80 mg/ngày. Uống 15-30 phút trước bữa ăn.
Lưu ý: thuốc có thể gây các rối loạn trên tim mạch nếu không được điều trị hợp lí.
IV – Lợi khuẩn giúp điều trị rối loạn tiêu hoá ở trẻ
1. Lợi ích của lợi khuẩn với hệ tiêu hoá của bé
Lợi khuẩn là những vi sinh vật (hay vi khuẩn) có ích trong đường ruột, mang lại sức khỏe cho vật chủ. Những vi sinh vật có ích này được chia làm 2 loại:
- Vi khuẩn có sẵn trong đường ruột như Bifidobacteria và Lactobacillus
- Vi khuẩn có ích được bổ sung thêm nhằm kích thích và cải tạo môi trường ruột như Bacillus.
Lợi khuẩn đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ tiêu hóa. Chúng giúp thức ăn được phân rã và chuyển hóa nhanh thành các chất dinh dưỡng cho bé dễ hấp thu, tăng cường hấp thu dinh dưỡng. Ngoài ra, lợi khuẩn còn giúp phá vỡ cấu trúc đường lactose. Ngăn ngừa nhiễm trùng, tăng cường hệ thống miễn dịch.
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột tức là mất đi cân bằng lí tưởng 85% lợi khuẩn-15% hại khuẩn ở đường ruột. Chính vì vậy, việc bổ sung lợi khuẩn giúp cải thiện rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Hơn nữa việc bổ sung lợi khuẩn là giải pháp an toàn, hiệu quả ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
2. Tác dụng của lợi khuẩn trong điều trị rối loạn tiêu hoá ở trẻ
Chủng lợi khuẩn phổ biến thường được bổ sung là Lactobacillus và Bifidobacterium. Trong đó chủng Bifidobacterium chiếm tới 90% lợi khuẩn đường ruột và 99% lợi khuẩn ở đại tràng, có khả năng cạnh tranh vị trí bám tốt hơn so với các loại lợi khuẩn khác. Mẹ nên lựa chọn sản phẩm có chứa chủng lợi khuẩn này bổ sung cho bé để cân bằng hệ vi khuẩn trong đường ruột của trẻ.
Đối với trẻ bị tiêu chảy trong rối loạn tiêu hoá
Bổ sung lợi khuẩn giúp tái thiết lập cân bằng hệ vi sinh, tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc ruột, loại trừ vi khuẩn gây bệnh, hỗ trợ phục hồi các tế bào ruột tổn thương, giảm triệu chứng và thời gian mắc tiêu chảy.
Đối với táo bón trong rối loạn tiêu hoá ở trẻ
Hầu hết trẻ bị táo bón đều ghi nhận tình trạng loạn khuẩn đường ruột.
Bổ sung lợi khuẩn giúp đảm bảo cân bằng hệ vi sinh, giúp kích thích nhu động ruột thông qua tăng sản xuất axit béo chuỗi ngắn, giảm độ pH ruột già và tăng chuyển hóa muối mật. Từ đó, phân được tống đẩy ra ngoài một cách tự nhiên.
Đối với trẻ đi ngoài phân sống
Đi ngoài phân sống là biểu hiện rối loạn hoạt động chức năng tại vùng đại tràng. Việc rối loạn hoạt động chức năng này chủ yếu do sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột. Vì thế, trẻ cần được thiết lập lại cân bằng hệ vi sinh càng sớm càng tốt. Bổ sung lợi khuẩn sống tại đại tràng hỗ trợ dứt điểm phân sống ở trẻ.
Đối với nôn trớ trong rối loạn tiêu hoá ở trẻ
Bổ sung lợi khuẩn là cách bảo vệ, nâng cao khả năng tiêu hóa triệt để thức ăn. Vì thế, bé hấp thu triệt để dưỡng chất và nâng cao khả năng miễn dịch đường ruột. Hệ tiêu hóa của bé vận hành trơn chu giảm bớt căng thẳng tại vùng dạ dày. Do đó giúp cải thiện tình trạng nôn trớ ở trẻ.
Hy vọng qua bài viết trên, các bậc cha mẹ đã có cho mình những kiến thức bổ ích nhất xoay quanh việc chăm sóc và xử trí khi trẻ gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa. Để được tư vấn cụ thể hơn, vui lòng liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi theo HOTLINE 1900 9482 hoặc 0967 629 482.
Xem thêm: Trẻ bị rối loạn tiêu hoá nên ăn gì?